Phục vụ an toàn trên 430 triệu lượt phương tiện, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Việt Nam

Qua 20 năm, 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phục vụ an toàn trên 430 triệu lượt phương tiện, đạt doanh thu từ thu phí hơn 30 nghìn tỷ đồng; góp phần quan trọng trong việc kết nối các vùng, miền trên cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, Tổng giám đốc VEC Phạm Hồng Quang nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Tổng Giám đốc Phạm Hồng Quang (người đứng giữa) kiểm tra cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tổng Giám đốc Phạm Hồng Quang (người đứng giữa) kiểm tra cao tốc Bến Lức - Long Thành.

PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về bối cảnh thành lập và phát triển của VEC?

Ông Phạm Hồng Quang: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiền thân là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, được thành lập ngày 06/10/2004 theo Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, xuất phát từ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam.

Theo đó, VEC là mô hình thử nghiệm của Chính phủ và ngành Giao thông vận tải, học tập và vận dụng từ các mô hình hoạt động tương tự của Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc và Nhật Bản là KEC và NEXCO nhằm thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức để đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc.

Vốn điều lệ ban đầu của Tổng công ty khoảng 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên với sự bảo lãnh của Chính phủ, đến nay VEC đã thu xếp các nguồn vốn để đầu tư 5 dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư lên tới 108 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, VEC đã đưa vào vận hành khai thác ổn định 490 km đường cao tốc tại 04/05 dự án, bao gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Dự kiến cuối năm 2025, VEC sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, nâng tổng số km đường cao tốc lên 540km.

PV: Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, VEC luôn được xem là lực lượng tiên phong trong việc đầu tư và phát hệ thống đường cao tốc của Việt Nam, ông có thể cho biết những kết quả của VEC từ khi thành lập đến nay?

Ông Phạm Hồng Quang: Tôi may mắn được đồng hành cùng VEC ngay từ những ngày đầu thành lập. Thanh xuân, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của tôi cùng với rất nhiều anh, chị, em khác gắn liền với hành trình 20 năm xây dựng, không ngừng phấn đấu và trưởng thành của Tổng công ty. Đến nay, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động có quyền tự hào về những tuyến đường cao tốc từ Bắc vào Nam thông suốt, an toàn và hiệu quả do VEC đầu tư và quản lý, vận hành khai thác.

Qua 20 năm, 04 tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ an toàn trên 430 triệu lượt phương tiện, đạt doanh thu thu phí hơn 30 nghìn tỷ đồng; góp phần quan trọng trong việc kết nối các vùng, miền trên cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với tăng trưởng ấn tượng về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, VEC được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xếp loại doanh nghiệp loại A trong 3 năm liên tiếp: năm 2021, năm 2022 và năm 2023.

Việc áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trong vận hành thu phí 4 tuyến của VEC kể từ ngày 01/8/2022 sau 50 ngày/đêm với hơn 140 làn thu phí triển khai không ngừng nghỉ cũng là một trong những điểm sáng của VEC, mang lại hiệu quả rất lớn đối với xã hội, cộng đồng nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty nói riêng.

Với những kết quả và thành tựu nổi bật, VEC đã đạt nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng, trong đó có: 3 Cờ thi đua của Chính phủ, 2 Cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 6 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT; 3 danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Bộ GTVT; 1 Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 4 Bằng khen của Bộ GTVT.

PV: Là đơn vị tiên phong hoạt động trong bối cảnh các cơ chế chính sách về thúc đẩy phát triển đường cao tốc còn cần thời gian hoàn thiện theo kịp đòi hỏi của thực tiễn chắc chắn VEC cũng phải đối diện và vượt qua không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Phạm Hồng Quang: Là mô hình hoạt động thử nghiệm và đầy mới mẻ nên ngay từ những ngày đầu thành lập, Tổng công ty đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Thời điểm ấy, VEC vừa xây dựng tổ chức, vừa sản xuất kinh doanh với kinh phí hoạt động ban đầu chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành, vốn điều lệ khoảng 1000 tỷ đồng thông qua quyền thu phí cao tốc.

Song, thách thức lớn nhất là câu chuyện cơ chế, chính sách. Quy định của pháp luật chưa đủ làm cơ sở điều chỉnh, đó là chưa kể đến sự mất cân đối giữa vốn điều lệ và tổng mức đầu tư huy động. Ngay tại thời điểm ấy, VEC phải báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành để áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Đến nay, khó khăn về cơ chế, chính sách vẫn là thách thức đối với sự phát triển của Tổng công ty. Điển hình như Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau khi được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, đang được đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc triển khai thi công, sớm đưa vào khai thác trong năm 2025 theo kế hoạch.

PV: Giai đoạn sắp tới, mục tiêu của nước ta vẫn là tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Xin ông cho biết, VEC đã chuẩn bị những gì để nắm bắt những cơ hội mới?

Ông Phạm Hồng Quang: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã xác định, một trong ba đột phá chiến lược là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội...

Do đó, không chỉ dừng lại ở 5 tuyến cao tốc trên, trong thời gian tới mục tiêu của VEC là đầu tư mở rộng một số tuyến do VEC đang quản lý, nghiên cứu tham gia thực hiện đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh một số tuyến thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, một số tuyến cao tốc còn lại trong quy hoạch, các tuyến có hiệu quả tài chính không cao tuy nhiên phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, song song với việc tái cơ cấu tổng thể, hiện nay VEC đã báo cáo cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty. Sau khi hoàn thành các thủ tục tăng vốn điều lệ lên 38.631 tỷ đồng vào năm 2024 và 40.456 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2026, VEC sẽ đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính để đầu tư mở rộng các dự án do VEC đang quản lý khai thác và sẽ nghiên cứu đầu tư mới một số dự án theo Chiến lược, Kế hoạch được phê duyệt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Việt Đức

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Việt Đức

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phuc-vu-an-toan-tren-430-trieu-luot-phuong-tien-gop-phan-thay-doi-dien-mao-ha-tang-giao-thong-viet-nam-158504.html