Tiếng nói riêng của Người Đô Thị

Tính từ số đầu tiên thì Người Đô Thị đến nay đã được 17 tuổi. Thời buổi này, một tạp chí tháng sống được như thế kể cũng là dài.

Với tôi, một trong số ưu thế của Người Đô Thị là tính phản biện. Nếu Người Đô Thị chỉ đưa tin là tuần này, tháng này, thời gian này ở Việt Nam, TP.HCM có gì diễn ra, ai còn ai mất, ai lên ai xuống thì có lẽ nó chìm nghỉm từ lâu rồi. Nhưng, vượt lên trên mọi sự kiện là những bình luận sắc sảo, những phản biện bài bản, và cả những dự báo hợp lý.

Người Đô Thị không tránh né những vấn đề nóng, những chuyện được coi là nhạy cảm mà sẵn sàng đi tới cùng. Công bằng mà nói, có những vấn đề mà cơ quan công quyền thay đổi thái độ và cách hành xử một phần là do tác động từ Người Đô Thị, như vụ phá bỏ hay giữ lại nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, vụ tôn tạo không gian Đức Thánh Trần và trả lại lư hương ở công viên Mê Linh, vụ định phá bỏ Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt… Hầu hết bài viết về các sự kiện được coi “có vấn đề” này được phân tích sắc sảo, chứng minh từ thực tế sinh động và biện luận rất bài bản, có sức thuyết phục.

Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Xuân Thắng

Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Xuân Thắng

Cái mà cộng tác viên “chịu” nhất là Người Đô Thị chấp nhận quan điểm riêng của người viết, không cắt và sẵn sàng cùng chịu trách nhiệm với tác giả trước công luận và trước cơ quan quản lý báo chí. Chính vì thái độ sòng phẳng như thế mà Người Đô Thị hút được nhiều chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực đô thị, văn hóa, lịch sử, khảo cổ…

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là gần đây Người Đô Thị hơi thiên về ký ức và kể chuyện, gia tăng hình ảnh nhân vật và chuyện bốn phương. Người Đô Thị cần trở thành một trong số các trung tâm có uy tín tập hợp các trí thức giỏi, có tâm, tài để phản biện một loạt vấn đề liên quan đến đô thị trọng yếu của TP.HCM và quốc gia như: cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; mô hình đô thị lấn biển Cần Giờ; mô hình thành phố trong thành phố; mô hình đô thị sông Hồng; mô hình quản lý phân quyền sâu rộng; mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long… Và cả những vấn đề trọng yếu khác về kinh tế - văn hóa - xã hội, vấn đề lão hóa dân số, chuyển đổi xã hội số bao hàm chuyển đổi văn hóa, đạo đức, truyền thống…

Đừng sợ chỉ trích, đừng ngại phản biện, miễn là bạn có lòng với quốc gia, dân tộc này.

Muốn làm được như vậy thì Người Đô Thị cần nâng cấp cách thức liên kết để nâng cấp chất lượng. Người Đô Thị nên gia tăng tập hợp các chuyên gia hàng đầu qua hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu thực địa, liên kết với các địa phương để giải quyết các bài toán cơ sở, và tập hợp quanh mình các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn không phải chỉ là để quảng cáo mà để có tiếng nói của họ. Tôi phát hiện nhiều doanh gia có tầm nhìn chiến lược, có lý luận, trăn trở với vận mệnh đất nước. Họ cần có diễn đàn để bày tỏ quan điểm của mình như những nhà lý luận về phát triển.

Tôi muốn gửi đến Người Đô Thị và các bạn lời này của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 24.5.2016 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia - Hà Nội: “Cá nhân tôi ngày nào cũng nghe những lời chỉ trích, khi chúng tôi đối diện với sự chưa hoàn thiện của mình thì chính sự chỉ trích đó, việc tranh luận cởi mở và trao cho mọi người có quyền được nói tiếng nói của mình đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn, công bằng hơn”. Đúng như vậy, một vấn đề được lật đi lật lại nhiều lần, được xem xét từ nhiều góc cạnh khác nhau giúp chúng ta có được niềm tin xác đáng và khi hành động sẽ mang lại hiệu quả cao. Đừng sợ chỉ trích, đừng ngại phản biện, miễn là bạn có lòng với quốc gia, dân tộc này!

TS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tieng-noi-rieng-cua-nguoi-do-thi-46599.html