Phương án cho các học sinh cuối cấp dừng học thêm ở trường?
Từ ngày 14/2, thực hiện theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đã dừng hoạt động dạy thêm cho học sinh, trong đó gồm cả học sinh cuối cấp. Điều này đã gây sốc và lo lắng cho rất nhiều học sinh và phụ huynh, vì với các học sinh cuối cấp (đặc biệt là lớp 9 và lớp 12) việc bị dừng đột ngột việc học thêm sẽ khiến các em hoang mang vì chỉ còn ít tháng nữa đã diễn ra những kỳ thi quan trọng.
![Học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_204_51462028/cdf43c470c09e557bc18.jpg)
Học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT quy định, từ ngày 14/2, hoạt động dạy thêm tại nhà trường sẽ không được thu phí và chỉ dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thời điểm này đã vào giữa tháng 2, thầy trò các trường THCS, THPT trên cả nước đang dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.
Chị Nguyễn Thanh (Hàng Tre, Hà Nội) cho biết, việc dừng học thêm tại trường khiến nhiều nhiều học sinh và phụ huynh như chị đang “ngồi trên đống lửa”. Hiện, cả gia đình chị đang chia nhau gấp rút tìm chỗ học thêm mới để ôn tập, nhất là khi Thông tư cũng quy định giáo viên sẽ không được dạy chính học sinh của mình ngay cả ở ngoài nhà trường.
Khảo sát một số Ban giám hiệu của các trường THPT, THCS tại Hà Nội đều cho rằng, nếu áp dụng quy định dạy thêm không thu phí theo Thông tư và không có nguồn ngân sách hỗ trợ sẽ khiến các trường gặp không ít khó khăn. Dù nhiều phụ huynh và học sinh mong muốn nhà trường có phương án tổ chức dạy học cho các em, nhưng điều này là rất khó bởi các trường không có kinh phí trả cho giáo viên cũng như các chi phí liên quan khi mở lớp. Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các trường công chủ yếu chỉ đủ trả lương giáo viên và sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất. Một số trường cũng đã dự định đề nghị Sở GD&ĐT có văn bản trình UBND Thành phố xem xét cấp kinh phí cho các trường.
Một số giáo viên cũng cho rằng, việc dừng học thêm với học sinh cuối cấp ở giai đoạn này cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Khó cả về việc nhà trường tổ chức dạy miễn phí, khó cả về kinh phí cho gia đình học sinh khi đi học thêm ở trung tâm bên ngoài. Bởi khi học thêm tại trường học sinh chỉ phải trả một số tiền nhỏ, nhưng khi ra các trung tâm, mức học phí có thể cao hơn rất nhiều, với phụ huynh ở khu vực nông thôn, hay các gia đình khó khăn ở thành phố, áp lực chi phí học tập cũng sẽ tăng lên.
Cùng với đó nhiều học sinh và phụ huynh cho biết, giờ ra học thêm bên ngoài, bên cạnh nỗi lo về tăng chi phí còn nỗi lo lớn hơn là học sinh không quen với thầy cô mới, chưa biết có phù hợp hay không trong khi các kỳ thi đến gần. Nhiều phụ huynh cho hay, sẽ sẵn sàng cùng các phụ huynh khác đi xin cơ quan chức năng để trường được dạy thêm.
Quy định của Thông tư 29 có nhiều mặt tích cực khi hạn chế được tình trạng giáo viên giảng dạy trên lớp chưa thực sự hiệu quả. Với Thông tư này, để có thể dạy thêm ngoài nhà trường, mỗi giáo viên cũng sẽ cần tự khẳng định chất lượng, uy tín của bản thân để thu hút học sinh. Với những giáo viên giỏi, vững chuyên môn khi ra các trung tâm giảng dạy vẫn sẽ đông người học và đảm bảo nguồn thu. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện quy định về dạy thêm học thêm khá gấp rút, với học sinh cuối cấp, khi áp dụng quy định mới việc học sẽ có những xáo trộn.
Tại Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), Ban Giám hiệu đã họp với toàn bộ giáo viên trong trường thống nhất cần mở các lớp bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp có nhu cầu, nhưng không được thu phí. Nhà trường vận động giáo viên tất cả vì học sinh, có trách nhiệm với chất lượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Trên cơ sở tính toán ngân sách, trường trích một phần kinh phí nhỏ dự kiến là 70.000 đồng/tiết học để động viên, bồi dưỡng thêm cho giáo viên, mức tiền này không phải thù lao. Trường sẽ tổ chức các lớp học thêm cho học sinh lớp 12 ở tất cả các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc vận động giáo viên dạy miễn phí như hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách, nhưng nếu tiếp tục kéo dài ở những năm học sau rất khó để các trường duy trì việc dạy miễn phí. Về lâu dài vẫn cần sự hướng dẫn cụ thể cũng như có nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động dạy thêm tại nhà trường.
Thông tư 29 được ban hành với quan điểm của lãnh đạo Bộ là chấm dứt tình trạng học sinh bị “ép” đi học thêm - đây là mặt trái không thể phủ nhận. Song bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận học thêm là nguyện vọng của nhiều học sinh, phụ huynh nhất là ở giai đoạn cuối cấp đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Ví dụ như với kỳ thi vào lớp 10 vô cùng khốc liệt, có thể khẳng định nếu chỉ học trên lớp là chưa đủ. Với bậc THPT, học sinh cũng mong đạt điểm số cao để xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu. Đây là nguyện vọng chính đáng.
Bộ GD&ĐT và các Sở cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện Thông tư 29. Khi chưa có hướng dẫn, nhiều trường sẽ chọn giải pháp dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, ngay cả với học sinh cuối cấp. Trong khi đây là giai đoạn các em đang tăng tốc để về đích.