Phương án của lãnh đạo Hà Nội về chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện

Với các xe điện mới như đăng ký, lệ phí trước bạ, các vấn đề liên quan sẽ được hỗ trợ 100%; tăng cường các loại xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ (thậm chí xe điện 4 chỗ) để tạo ra mạng lưới hỗ trợ trung chuyển trong khu vực vành đai 1 - phương án được lãnh đạo Hà Nội đưa ra tối 14/7.

Tối 14/7, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã thông tin về những giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe cộ khi Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng đi vào đường vành đai 1 từ tháng 7/2026.

Sơ đồ tuyến đường vành đai 1, khu vực sẽ cấm xe máy chạy xăng lưu thông.

Sơ đồ tuyến đường vành đai 1, khu vực sẽ cấm xe máy chạy xăng lưu thông.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố sẽ nghiên cứu về các chính sách, báo cáo Thành ủy, thông qua HĐND Thành phố để thiết lập một cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi các phương tiện xe xăng dầu sang xe điện.

Việc chuyển đổi xe sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa, trên nền tảng các số liệu do Thành phố tổng hợp, rà soát, thống kê chi tiết cho khoảng 450.000 xe máy đang hoạt động bên trong đường vành đai 1.

Thành phố sẽ thiết lập các chính sách, cơ chế bổ trợ như thu đổi các xe xăng dầu chuyển sang xe điện. Trong đó, đối với các xe điện mới như đăng ký, lệ phí trước bạ, các vấn đề liên quan thì Thành phố sẽ hỗ trợ 100%. Và sẽ ra các mức chỉ tiêu rất cụ thể đối với từng đối tượng, chủng loại xe, mục tiêu là đảm bảo cho nhân dân sống trong vành đai 1.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn

Về việc bố trí mạng lưới giao thông công cộng để hỗ trợ người dân khi cấm xe máy, Thành phố sẽ tăng cường các loại xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ để tạo ra mạng lưới hỗ trợ. Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình xe vận tải điện khoảng 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực vành đai 1.

Các xe ngoài vành đai 1 vào vành đai 1 cũng sẽ phải chuyển sang xe điện, chứ không chỉ có xe máy xăng trong vành đai 1 mới phải chuyển đổi.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, Thành phố sẽ đồng hành với việc chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện, tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, xe buýt nhanh, taxi, trung chuyển đa phương thức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị, một phương tiện hiện đại sạch, xanh - ông Dương Đức Tuấn cho biết.

Về việc bố trí mạng lưới trạm sạc khi triển khai Chỉ thị 20, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Trước mắt, Hà Nội ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư

Tại cuộc họp với 126 xã, phường chiều 14/7 về tăng cường công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề cập đến việc người dân sử dụng xe máy cũ nát từ đã “mấy chục năm” để mưu sinh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng mưu sinh nhưng lại làm hại những người xung quanh thì không được.

“Anh chỉ lấy một đồng thôi nhưng lại bắt hàng nghìn người khác mua thuốc thì độc hay hại”, ông Thanh nói và nhấn mạnh không thể vì lợi ích của một người mà làm ảnh hưởng đến hàng triệu người khác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thẳng thắn nêu vấn đề, đời sống người dân thủ đô đi lên nhưng thành phố đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, những bức xúc của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường là có thật.

“Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến sinh kế người dân, nhưng không thể vì một bộ phận nhỏ sử dụng xe máy cũ mà gây hại đến môi trường sống của đa số. Chúng ta đã có một thời gian nói về việc thay thế xe máy cũ. Xe máy cũ sử dụng mấy chục năm rồi, khói mù mịt lên. Khí thải ra tất cả mọi người xung quanh đều hít phải và ảnh hưởng đến sức khỏe thì ai lo. Cho nên ở đây phải rành mạch chuyện đó", ông Phong nhấn mạnh.

Thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai chuyển đổi giao thông xanh và trạm sạc điện

Ngày 14/7, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3763/QĐ-UBND về Thành lập Tổ công tác liên ngành để tham mưu UBND Thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn Hà Nội.

Theo Quyết định, thành lập Tổ công tác liên ngành gồm: Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng; 2 Tổ phó là Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương; Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng 6 thành viên là Ông Nguyễn Hồng Ky, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Thành phố; Ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Trần Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; Lãnh đạo UBND các phường, xã và Tổ giúp việc là 19 thành viên đại diện từ các Sở, ngành trên địa bàn Thành phố.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố tổ chức triển khai các nhiệm vụ về: Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện. Rà soát, đề xuất nhiệm vụ mới phát sinh theo thực tế; tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Tổ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Sở Xây dựng là Cơ quan thường trực huy động nhân sự, thiết bị, kinh phí từ ngân sách Thành phố. Chủ trì họp, tổng hợp ý kiến, sử dụng con dấu của Sở để thực hiện nhiệm vụ.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/phuong-an-cua-lanh-dao-ha-noi-ve-chuyen-doi-tu-xe-may-xang-sang-xe-dien-179250715110037491.htm