Xã bán trái phép rừng phòng hộ ven biển trước hợp nhất: Huế báo cáo Thủ tướng

UBND TP Huế vừa báo cáo Thủ tướng việc UBND xã bán trái phép hơn 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển để khai thác gỗ trước ngày hợp nhất thành phường Phong Quảng.

UBND xã ở Huế bán hơn 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển để khai thác gỗ trước ngày hợp nhất.

Liên quan vụ xã bán trái phép 2,5 ha rừng phòng hộ ven biển trước ngày hợp nhất, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế ký văn bản gửi Thủ tướng và Ban Thường vụ Thành ủy Huế để báo cáo việc một số diện tích rừng ven biển thuộc xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng, TP Huế) bị chặt hạ.

Trong báo cáo, UBND TP Huế khẳng định, đã chỉ đạo công an thành phố điều tra; giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thu thập, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật; Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trước ngày 22/7/2025.

Hơn 3,1 ha rừng ven biển (trong đó có trên 2,5 ha rừng phòng hộ) bị UBND xã bán cho một cá nhân để khai thác gỗ trái phép.

Hơn 3,1 ha rừng ven biển (trong đó có trên 2,5 ha rừng phòng hộ) bị UBND xã bán cho một cá nhân để khai thác gỗ trái phép.

Về diễn biến vụ việc, theo UBND TP Huế, ngày 2/7, lực lượng kiểm lâm phát hiện một số diện tích rừng thuộc lô 152, 161, khoảng 1, tiểu khu 89, thôn An Lộc, xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) bị khai thác.

Tổng diện tích bị khai thác là 3,1416 ha thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (dự án 661) triển khai năm 2008. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm 2,5843 ha và rừng sản xuất chiếm 0,5573 ha. Tổng số cây bị khai thác là 1.461 cây (khu vực rừng phòng hộ 1.331 cây và 130 cây thuộc khu vực rừng sản xuất). Loại cây bị khai thác là cây keo lưỡi liềm.

Khu vực rừng trên được UBND huyện Quảng Điền (cũ) giao khoán cho nhóm hộ ông Lê Nguyễn Sĩ (thôn 4, xã Quảng Công cũ) quản lý, bảo vệ, sử dụng và hưởng lợi từ năm 2012 đến tháng 9/2020. Sau đó, UBND xã Quảng Công tự tổ chức quản lý.

Loại cây bị phá chủ yếu là cây keo lưỡi liềm, có đường kính 6 - 30cm.

Loại cây bị phá chủ yếu là cây keo lưỡi liềm, có đường kính 6 - 30cm.

Ngày 19/2, tập thể UBND xã Quảng Công tổ chức họp do ông Nguyễn Đình Thông - Chủ tịch UBND xã Quảng Công (cũ) chủ trì thống nhất thanh lý rừng trên cho ông Nguyễn Văn Quốc (trú TP Huế) với diện tích 8 ha rừng sản xuất với giá 85 triệu đồng và được chuyển cho bà Cao Thị Thủy (cán bộ thủ quỹ UBND xã Quảng Công). Tuy nhiên, sau đó UBND xã Quảng Công yêu cầu bà Thủy số tiền trên do chưa khai thác toàn bộ diện tích như thỏa thuận.

Ngày 15/5, ông Quốc chuyển khoản số tiền 30.000.000 đồng cho ông Nguyễn Đình Thông - Chủ tịch UBND xã Quảng Công (nay là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng) và đưa tiền mặt 35.000.000 đồng cho ông Lê Nguyên Oai (Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công) tại phòng làm việc của ông này.

Số gỗ khai thác được ông Quốc bán tại Công ty Cổ phần năng lượng sinh học Huế, địa chỉ Khu công nghiệp Phú Bài (phường Phú Bài, TP Huế) với giá 900.000 đồng/tấn cho đến khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, đình chỉ.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xa-ban-trai-phep-rung-phong-ho-ven-bien-truoc-hop-nhat-hue-bao-cao-thu-tuong-ar954427.html