Phương án sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã do các địa phương xây dựng
Cũng theo ông Thành, phương án tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương rất khó khăn. Trong các đề án gửi Bộ Nội vụ, các địa phương đều xây dựng lộ trình, phương án cụ thể.
Chiều 20-9, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Đăng Minh cho biết, đến ngày 17/9/2019, Bộ Nội vụ đã nhận được Phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi Đề án chi tiết.
“Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh, (ngày 21, 22/9 Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổ chức thẩm định cho 7 tỉnh còn lại). Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của 2 tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa”, ông Minh thông tin.
Qua thẩm định Đề án, nhìn chung các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ Đề án. Nội dung Đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.
Đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, hiện đã có 44/46 địa phương hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp, chỉ còn TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa xong.
“Các địa phương chậm đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin lùi thời hạn và thời gian lùi không được quá 2 tháng”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, phương án tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương rất khó khăn. Trong các đề án gửi Bộ Nội vụ, các địa phương đều xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để tổ chức, sắp xếp cán bộ dôi dư. Đề án nào chưa có lộ trình cụ thể, Hội đồng thẩm định liên ngành đều yêu cầu phải bổ sung trước khi trình.
Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu với Ban Tổ chức Trung ương phối hợp tháo gỡ khó khăn về cán bộ, công chức theo đề xuất, kiến nghị của địa phương. Ông Thành khẳng định, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư phải do địa phương xây dựng. Trung ương chỉ hướng dẫn về chế độ chính sách liên quan đến việc sắp xếp.
Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, trong đó 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Có 4 tỉnh, thành phố mặc dù không có ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã đề nghị tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo diện khuyến khích (gồm các tỉnh: Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh).
Theo đó, số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 556 đơn vị, trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Thanh Hóa giảm 76/635 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,97%), Hòa Bình giảm 59/210 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 28,09%), Phú Thọ giảm 52/277 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/262 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 17,56%), Cao Bằng giảm 40/199 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 20,10%), Hải Dương giảm 30/264 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,36%), Lạng Sơn giảm 26/226 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,50%), Quảng Trị giảm 17/141 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 12,06%)...