Phương ngữ Quảng Bình, những điều lý thú
Nghiên cứu phương ngữ Quảng Bình, chúng ta sẽ hiểu thêm về những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Phương ngữ Quảng Bình thuộc vùng phương ngữ Bình Trị Thiên, nên ngoài những đặc điểm chung của nhóm phương ngữ lớn này nó còn có những nét đặc trưng riêng. Trong sự đối sánh với ngôn ngữ toàn dân và các phương ngữ khác, phương ngữ Quảng Bình có sự khác biệt nhất định về từ vựng, ngữ âm, đôi chút về ngữ pháp và ngữ nghĩa. Ngôn ngữ có vai trò lưu giữ, bảo tồn văn hóa, giúp cho việc sáng tạo và phát triển văn hóa. Nghiên cứu phương ngữ Quảng Bình, chúng ta sẽ hiểu thêm về những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
KHÁI QUÁT VỀ PHƯƠNG NGỮ
Theo các nhà nghiên cứu Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn, thì phương ngữ “là hình thức ngôn ngữ có hệ thống từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm riêng biệt, được sử dụng ở một phạm vi lãnh thổ, hay xã hội hẹp hơn là ngôn ngữ. Là hệ thống kí hiệu và quy tắc kết hợp có nguồn gốc chung với hệ thống khác được coi là ngôn ngữ (cho toàn dân tộc), các phương ngữ (có người gọi là tiếng địa phương, phương ngôn) khác nhau trước hết là ở cách phát âm, sau đó là vốn từ vựng” [1; tr.275]. Các tác giả sách Từ điển giải thích các thuật ngữ ngôn ngữ học cũng có quan điểm tương tự khi xem phương ngữ là: “Biến dạng của một ngôn ngữ được sử dụng với tư cách là phương tiện giao tiếp của những người gắn bó chặt chẽ với nhau trong một cộng đồng thống nhất về lãnh thổ, về hoàn cảnh xã hội hay về nghề nghiệp” và chia phương ngữ thành phương ngữ lãnh thổ, phương ngữ xã hội [2; tr.221].
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Châu thì cho rằng: “Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác”[3; tr.26]. Từ đó có thể hiểu, phương ngữ lãnh thổ là những biến thể địa lí khu vực của nó, trong đó lại có rất nhiều thổ ngữ, là những biến thể của của phương ngữ ở khu vực địa lí hẹp hơn, như tỉnh, huyện, xã hoặc làng. Còn hệ thống những biến thể ngôn ngữ được các tầng lớp người theo quan hệ về tuổi tác, trình độ, địa vị, giới tính, nghề nghiệp khác nhau sử dụng, gọi là phương ngữ xã hội.
Mặc dù còn có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng, phương ngữ là biến thể và dạng tồn tại về các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ dân tộc ở một phạm vi lãnh thổ hay xã hội nào đó hẹp hơn ngôn ngữ. Phương ngữ là một hiện tượng lịch sử, nó ra đời như một tất yếu do sự phát triển, biến đổi của ngôn ngữ cùng với sự phát triển của xã hội, do đó, khi ngôn ngữ đi đến sự thống nhất thì phạm vi sử dụng của phương ngữ ngày càng bị thu hẹp. Phương ngữ là biến thể của ngôn ngữ toàn dân trong quá trình phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Mặc dù, phương ngữ khác với ngôn ngữ toàn dân ở một vài khía cạnh, ở một mức độ nào đó, nhưng trên căn bản, hệ thống cấu trúc ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp giữa các phương ngữ và ngôn ngữ toàn dân là giống nhau. Phương ngữ là một hệ thống biến thể của ngôn ngữ toàn dân bị hạn chế về phạm vi sử dụng.
Hiện nay, trong giới nghiên cứu ở nước ta, vẫn có nhiều người đồng nhất khái niệm “phương ngữ” với “từ địa phương” (hay “từ địa phương”). Ở đây, chúng tôi thấy cũng cần phải phân biệt giữa hai khái niệm này. Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong Từ vựng học tiếng Việt, thì: “Từ địa phương là những từ được dùng hạn chế ở một vài địa phương, từ địa phương là một dạng biến thể của vốn từ vựng của ngôn ngữ dân tộc” [4; tr.292]. Còn các tác giả sách Từ điển giải thích các thuật ngữ ngôn ngữ học thì cho rằng từ địa phương là: “Từ của một phương ngữ thuộc một ngôn ngữ dân tộc nào đó và chỉ phổ biến trong phạm vị lãnh thổ của địa phương đó” [5; tr.339]. Từ đó cho thấy, từ địa phương không thể đồng nhất với phương ngữ, mà đó chỉ là một bộ phận của phương ngữ, nó phát sinh do khoảng cách địa lí, điều kiện tự nhiên, sự kiện lịch sử, phong tục tập quán của một cộng đồng dân cư.
Ngôn ngữ dân tộc nói chung và các phương ngữ nói riêng vừa có tính thống nhất vừa có sự khác biệt, trong đó tính thống nhất đóng vai trò chủ đạo. Phương ngữ là một trong những biểu hiện của tính đa dạng của ngôn ngữ dân tộc. Do đó, mối quan hệ giữa ngôn ngữ dân tộc và phương ngữ là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái bất biến và cái khả biến, giữa cái trừu tượng và cái cụ thể.
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về phân vùng phương ngữ lãnh thổ của tiếng Việt. Trong đó, chúng tôi thống nhất với cách chia thành ba vùng phương ngữ lãnh thổ như ý kiến của phần đông các nhà nghiên cứu (vùng phương ngữ Bắc Bộ, vùng phương ngữ Trung Bộ, vùng phương ngữ Nam Bộ). Trong đó phương ngữ Quảng Bình nằm trong vùng phương ngữ Trung Bộ.
II. PHƯƠNG NGỮ QUẢNG BÌNH, NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ
Ngoài gần 1.400 từ/ngữ thuộc phương ngữ Quảng Bình mà các nhà nghiên cứu đã thống kê được [6; tr.2], thì riêng đối với trong tổng số 1.496 từ/ngữ chỉ lĩnh vực nghề biển mà chúng tôi đã nghiên cứu, có đến 1.309 đơn vị thuộc từ thuần Việt, trong đó có 30,1 % là từ/ngữ thuộc phương ngữ Quảng Bình [7; tr.52].
1. Đặc điểm về từ vựng (lexicon)
Khi phân tích về đặc điểm từ vựng của phương ngữ Quảng Bình, chúng tôi không thống nhất với quan điểm của tác giả Phạm Thị Thúy Hồng trong bài viết Một vài đặc điểm của tiếng địa phương Quảng Bình, khi cho rằng: “Một bộ phận từ vựng được người Đồng Hới sử dụng không có sự khác biệt với ngôn ngữ toàn dân, tuy nhiên khi phát âm thì họ có những cách phát âm riêng biệt” [8; tr.2], là một đặc điểm từ vựng của phương ngữ Quảng Bình. Căn cứ vào những khái niệm và cách nhận diện phương ngữ mà chúng tôi đã đề cập ở mục khái quát chung, thì “bộ phận từ vựng được người Đồng Hới sử dụng không có sự khác biệt với ngôn ngữ toàn dân…” đó không thể xếp vào phương ngữ được.
Chúng ta đều biết, ngoài phương ngữ với những nét đặc trưng riêng, không chỉ người Quảng Bình, người Đồng Hới mà bất kỳ cư dân vùng miền nào trên cả nước cũng đều phải sử dụng rất nhiều từ ngữ trong ngôn ngữ toàn dân để giao tiếp hàng ngày. Do vậy, việc tùy tiện xếp chúng vào trong nhóm phương ngữ là một điều hoàn toàn không hợp lý.
Sau khi đã loại trừ đi những yếu tố của ngôn ngữ toàn dân được cư dân sử dụng phổ biến trong giao tiếp, thì xét riêng về từ vựng của phương ngữ, chúng tôi nhận thấy có những đặc điểm riêng biệt so với từ toàn dân như sau:
1.1. Nhóm từ/ngữ có vỏ âm thanh giống/tương ứng với từ/ngữ trong ngôn ngữ toàn dân, mặc dù ít nhiều có sự liên hệ với nghĩa gốc, nhưng chúng lại mang một ý nghĩa khác, hoặc có nét nghĩa khác so với từ/ngữ gốc đó. Nói cách khác, người Quảng Bình đã khá sáng tạo khi biết cách vay mượn từ/ngữ trong ngôn ngữ toàn dân để tạo ra từ/ngữ riêng của mình. Cũng có thể gọi đây là hiện tượng đồng âm khác nghĩa hay khác một vài nét nghĩa. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu:
1.2. Nhóm từ/ngữ có vỏ âm thanh giống/tương ứng với từ/ngữ trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng chúng lại mang một ý nghĩa khác so với từ/ngữ gốc đó. Đây cũng là một sáng tạo của cư dân Quảng Bình trong ngôn ngữ. Cũng có thể gọi đây là hiện tượng đồng âm khác nghĩa. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu:
1.3. Từ/ngữ có hình thức ngữ âm khác một bộ phận nào đó (thanh điệu, âm đầu, phần vần) so với các từ/ngữ tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:
1.4. Từ/ngữ được ghép bởi hai hay nhiều yếu tố trong ngôn ngữ toàn dân để tạo thành, mà hoàn toàn không có trong ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:
1.5. Từ/ngữ được ghép bởi một vài yếu tố riêng của phương ngữ với một vài yếu tố của ngôn ngữ toàn dân để tạo thành. Ví dụ:
1.6. Từ/ngữ có sự khác biệt hoàn toàn về ngữ âm so với ngôn ngữ toàn dân. Loại này là một sáng tạo độc đáo của cư dân Quảng Bình qua nhiều đời, được lưu truyền cho đến hôm nay và vẫn được nhiều thế hệ cháu con sử dụng, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở khu vực nông thôn. Ở đây chúng tôi không thể liệt kê ra hết, nhưng có thể nhận thấy nhóm từ/ngữ này hiện nay rất nhiều. Ví dụ:
2. Đặc điểm về ngữ âm (phonetic)
2.1. Thanh điệu
Là một người sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, qua quá trình sử dụng của bản thân, cũng như được tiếp xúc với cư dân người Kinh ở một số vùng, miền khác nhau của Quảng Bình, chúng tôi nhận thấy rằng, đại bộ phận người Quảng Bình nói chung (những người sinh ra, lớn lên ở Quảng Bình, nói tiếng Quảng Bình), khi nói gần như chỉ có sử dụng 5 thanh điệu, là: không dấu, huyền, sắc, nặng, hỏi còn dường như không phân biệt được thanh hỏi với thanh ngã. Điều này thể hiện rất rõ, kể cả đối với lớp trẻ hiện nay. Ở một số địa bàn ở Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, vẫn có bộ phận cư dân không nhập thanh ngã vào với thanh hỏi mà thanh ngã được phát âm như thanh nặng. Cá biệt, một số nơi phát âm từ thanh sắc thành thanh nặng (véo rất đau -> bẹo rất đau,…). Riêng ở làng Diêm Điền (Đức Ninh Đông, Đồng Hới), hay ở Hạ Trạch (Bố Trạch),…chỉ thấy xuất hiện 4 thanh điệu (thanh ngã và thanh hỏi trùng với thanh nặng). Ví dụ: kẻ trộm -> kẹ trộm, gãy tay -> gạy tay, đẻ -> đẹ, đi ngủ -> đi ngụ,…Cách phát âm này rất giống với một số khu vực ở Nghi Lộc (Nghệ An),...Tuy nhiên, khi viết, đa số những người có trình độ học vấn cao và phần lớn học sinh, sinh viên trong các nhà trường vẫn viết đúng chính tả.
2.2. Âm đầu
Có rất nhiều phụ âm đầu của tiếng phổ thông được đa số người Quảng Bình phát âm thành một phụ âm khác hoàn toàn so với ngôn ngữ toàn dân. Sau đây là một vài ví dụ:
Người làng Tả Phan, Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh) còn có cách phát âm khá đặc biệt, khi thêm “tiếng gió” vào âm “d” và “gi” và phá âmgần giống như “the” trong tiếng Anh. Ví dụ: dì -> “dzì”, cái dĩa -> cái “dzịa”, thời gian -> thời “gizan”,…
2.3. Phần vần
Ngoài cách sử dụng giống như âm đầu, phần vần trong ngôn ngữ toàn dân, phương ngữ Quảng Bình cũng có rất nhiều điểm độc đáo, khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân. Ví dụ:
2.4. Âm cuối
Qua quá trình sử dụng tại địa phương, cũng như tiếp xúc với nhiều cư dân các vùng, miền, chúng tôi thấy có một hiện tượng một số người lớn tuổi vẫn còn tồn tại hiện tượng phát âm còn giữ lại âm cuối /-n/ mà trong ngôn ngữ toàn dân và phương ngữ ở nhiều nơi khác đã thành âm tiết mở. Ví dụ: chỉ -> chỉn, rui mè -> rui mèn, rễ -> rẹn. Hay có những người gốc Hải Thành (Đồng Hới) và một số vùng giáp với Quảng Trị có cách phát âm gần giống với người Huế. Ví dụ: Chẳng hạn: gan góc -> gang góc, gán ghép -> gáng ghép, gắn bó -> gắng bó, ghen ghét -> gheng ghéc,…Tuy nhiên hiện tượng này không phổ biến lắm.
3. Đặc điểm ngữ pháp (grammar)
Bên cạnh những nét khu biệt về ngữ âm và từ vựng vừa nêu trên so với ngôn ngữ toàn dân, tiếng Đồng Hới cũng có một số điểm khác biệt với tiếng phổ thông về mặt ngữ pháp mà qua so sánh, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với phương ngữ các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị hay Nghệ An, Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng có một vài từ/ngữ giống phương ngữ Thanh Hóa. Ví dụ:
3.1. Hệ thống đại từ chỉ trỏ và nghi vấn
3.2. Hệ thống đại từ xưng hô
Qua so sáng với ngôn ngữ toàn dân, chúng tôi nhận thấy, đại từ xưng hô trong phương ngữ Quảng Bình có số lượng phong phú hơn nhiều. Ví dụ:
3.3. Hệ thống trạng từ chỉ thời gian
Ngoài sử dụng thành thạo hệ thống trạng từ chỉ thời gian trong ngôn ngữ toàn dân, người Quảng Bình còn có thêm khá nhiều trạng từ chỉ thời gian của riêng mình.
3.4. Không chỉ có khác biệt về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp, người Quảng Bình còn có những có thói quen khác so với người ở nhiều vùng, miền khác, nhất ở Bắc Bộ và Nam Bộ, đó là cách nói chậm, nói khá to và rõ từ. Cùng với đó, người ta còn có xu hướng kéo dài ngữ khí cuối câu, nhất là những câu có biểu lộ sắc thái tình cảm, theo kiểu: hè, hi, hỉ, tê, tề,…Ví dụ:
- Răng mà ri rứa hè ?/Làm sao lại làm vậy nhỉ ?
- Đóng cửa lại eng tề !/ Đóng cửa lại đi anh !
- Hôm nay được nghỉ eng hỉ ?/ Hôm nay được nghỉ phải không anh ?
Thậm chí có lúc người ta còn kết hợp vài ngữ khí từ lại với nhau thành một chuỗi dài mà phương ngữ nhiều nơi chẳng bao giờ sử dụng. Chẳng hạn: chi mô rứa hè (Sao lại nói vậy nhỉ ?),….Hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, Cách thức giao tiếp này làm cho các câu nói mềm mại, uyển chuyển và dễ nghe hơn.
4. THAY CHO LỜI KẾT
Ngôn ngữ nói riêng, văn hóa nói chung đều phản ánh cuộc sống của cư dân ở một vùng, miền cụ thể nào đó. Phương ngữ Quảng Bình, văn hóa Quảng Bình cũng vậy, nó phản ánh khá đầy đủ cuộc sống của cư dân vùng quê này qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Mặc dù chưa có một công trình nghiên cứu nào đã kết luận, nhưng từ kinh nghiệm quá trình sinh sống lâu năm của bản thân ở vùng quê này, cũng như thông qua các hoạt động điền dã ở nhiều vùng quê khác nhau để hoàn thành luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học và đề tài này, tôi đã nhận thấy một điều rằng, những sự khác biệt về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp,…mà cư dân Quảng Bình đã tạo ra trong phương ngữ của mình đã được minh chứng ở trên đều có liên quan đến đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên của vùng đất này. Chính những sáng tạo khác biệt về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp,…đã đề cập ở trên của người Quảng Bình mới có những từ/ngữ thuộc phương ngữ mà phát âm lên ta đều có cảm giác tròn, to, rõ, âm vang cao hơn so với cách phát âm nhiều vùng, miền khác. Nhiều người cũng đều biết rằng, từ xa xưa trong lịch sử, người Hà Nội và các vùng lân cận, do sinh sống ở chốn kinh kỳ, gần triều đình, quan lại nhiều, nên người dân đều phải ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào hơn người vùng khác là điều hết sức thường tình. Nằm chung trong vùng phương ngữ Bình Trị Thiên, nhưng đã có một thời gian khá dài, Huế cũng là chốn kinh kỳ có nhiều vua chúa và quan lại, cho nên người Huế có giọng nói nhỏ, nhẹ hơn người Quảng Bình, Quảng Trị cũng là điều dễ hiểu.
Quảng Bình là vùng đất này quanh năm có khí hậu khắc nghiệt. Vào mùa mưa bão, thì mưa, gió, sớm chớp rền vang đến nỗi át cả tiếng con người. Vào mùa hè cũng thế, từng đợt gió lào thổi rất mạnh, kéo dài cả tháng có khi cũng át đi cả những âm thanh của cuộc sống và tiếng nói của con người. Trong khi đó, do Quảng Bình là một vùng đất mới, từ xa xưa, làng mạc, xóm thôn, nhà cửa còn thưa thớt, việc thủ thủ nói chuyện với nhau như cư dân quần cư theo xóm thôn ở Miền Bắc là điều không thể. Từ trong hoàn cảnh đó, người ta bắt buộc phải “ăn to, nói lớn” hơn người vùng khác cũng là điều dễ hiểu mà thôi ?.
Trên đây chỉ là kết quả khảo sát ban đầu của chúng tôi về phương ngữ Quảng Bình và nhận thấy nó có rất nhiều điểm thú vị. Tuy nhiên trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, chúng tôi chưa thể đề cập hết được những vấn đề phong phú, đa dạng khác mà phương ngữ Quảng Bình đã và đang có. Rất mong sớm nhận được thêm nhiều công trình nghiên cứu khác của bạn đọc gần xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn, Ngôn ngữ học: Khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm (tập 2), Nxb KHXH, H. 1982.
2. Nguyễn Như Ý chủ biên (tái bản lần thứ 3, 1997), Từ điển giải thích các thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb GD, H.
3. Hoàng Thị Châu (1998), Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb KHXH, H.
4. Nguyễn Thiện Giáp (tái bản 1998), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb GD, H.
5. Nguyễn Như Ý chủ biên (tái bản lần thứ 3, 1997), Từ điển giải thích các thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb GD, H.
6. Phạm Thị Thúy Hồng, Một vài đặc điểm của tiếng địa phương Quảng Bình,
https://sealinguist.files.wordpress.com/2015/08/tie1babfng_de1bb8ba_phc6b0c6a1ng_que1baa3ng_binh.doc .
7. Trương Văn Hà (2015), Từ ngữ nghề biển ở Quảng Bình, Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học, Đại học Vinh, NA.
8. Phạm Thị Thúy Hồng, Một vài đặc điểm của tiếng địa phương Quảng Bình, tlđd.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phuong-ngu-quang-binh-nhung-dieu-ly-thu-a17300.html