Phương pháp chiết xuất lithium từ nước biển

Trang Interesting Engineering cho biết một nhóm nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật phân tử (PME) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) đã tối ưu hóa phương pháp chiết xuất lithium từ nước biển, nước ngầm và 'nước chảy ngược' (phụ phẩm của hoạt động thủy lực cắt phá hoặc khai thác dầu khí ngoài khơi).

Phương pháp trên chứng minh được sắt phốt phát dạng hạt có thể tách lithium khỏi chất lỏng vô cùng hiệu quả, qua đó giúp khai thác loại khoáng sản cần thiết cho ngành sản xuất pin này một cách thân thiện với môi trường hơn.

Giáo sư PME Chong Liu cho biết: “Phương pháp của chúng tôi cho phép khai thác hiệu quả khoáng chất từ chất lỏng rất loãng nên mở rộng đáng kể nguồn lithium tiềm năng”.

Nhóm sử dụng mạng tinh thể olivin sắt phốt phát. Do kích thước, điện tích cùng khả năng phản ứng của chính mình mà lithium bị hút vào các khoảng trống trong mạng giống như nước thấm vào lỗ trên miếng bọt biển. Nếu mạng được thiết kế hoàn hảo, ion natri (trong chất lỏng) sẽ bị loại ra ngoài hoặc chỉ đi qua với số lượng rất ít.

Lúc thử nghiệm, nhóm cố gắng tìm ra kích thước và hình dạng hạt sắt phốt phát lý tưởng cho quá trình chiết xuất. Họ dùng nhiều cách khác nhau để tạo ra mạng tinh thể mang hạt kích thước dao động từ 20 đến 6.000 nanomet. Hạt quá lớn hoặc quá nhỏ cho nhiều ion natri đi qua hơn, khiến lithium chiết xuất kém tinh khiết hơn.

Vài năm qua nhu cầu lithium tăng vọt vì xe điện ngày càng phổ biến. Tuy nhiên phương pháp chiết xuất lithium từ quặng đá hay nước biển lại chậm, tiêu tốn năng lượng và gây hại môi trường. Nhóm PME khẳng định phương pháp mà họ tối ưu hóa chiết xuất nhanh hơn, xanh sạch hơn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phuong-phap-chiet-xuat-lithium-tu-nuoc-bien-218200.html