Phương pháp chữa ra nhiều mồ hôi tay, mồ hôi nách

Ra nhiều mồ hôi tay, mồ hôi nách không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng nó làm người bệnh khó chịu khi làm việc và mất tự tin khi giao tiếp. Khắc phục vấn đề này như thế nào?

1. Vì sao ra nhiều mồ hôi tay, mồ hôi nách?

Hệ thần kinh của người gồm 2 loại: Chủ động (điều khiển hệ cơ, xương, khớp....) và tự động (gồm hệ thần kinh giao cảm, phó giao cảm).

Hệ thống tiết mồ hôi tay do hệ thần kinh tự động, hệ giao cảm tiết acetyl cholin (gồm các nhóm hạch dọc cột sống). Việc tiết mồ hôi tay, nách do nhóm hạch cạnh cột sống vùng cổ ngực chi phối.

Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi thường do bệnh lý như: Bệnh lý thần kinh, nội tiết (cường giáp, u tủy thượng thận), nhiễm trùng... nhưng việc tăng tiết mồ hôi tay, nách đa số là vô căn. Một số trường hợp là do tâm lý, khi hồi hộp lo lắng sẽ tăng tiết mồ hôi tay, mồ hôi nách.

Ra nhiều mồ hôi tay ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Ra nhiều mồ hôi tay ảnh hưởng đến sinh hoạt.

2. Các phương pháp điều trị

2.1 Điều trị không cần kê đơn

Có thể sử dụng các sản phẩm lăn nách chứa muối nhôm aluminum. Khi lăn aluminum kết hợp với mồ hôi tạo kết tủa gây bít lỗ tuyến mồ hôi và làm giảm tình trạng tiết mồ hôi nhiều.

Lưu ý: Cần phải lau thật khô vùng tay, nách trước khi lăn, vì nếu để ướt thì thuốc kết tủa ngay trên da và giảm tác dụng khi tiết mồ hôi. Nên lăn thuốc trước ngủ, lăn 4 tuần liên tiếp, sau đó giảm số lần lăn.

Nếu ra mồ hôi nhiều mà các thuốc lăn nách nêu trên chưa hiệu quả, thì dùng loại mạnh hơn là các thuốc chứa aluminum chloride 12%. Cách sử dụng thuốc cũng tương tự như aluminum nêu trên.

2.2 Điều trị với thuốc kê đơn

- Thuốc bôi ngoài da: Aluminum chloride hàm lượng cao 20% dùng cho tăng tiết mồ hôi nách, da đầu, bàn tay, bàn chân nhiều mồ hôi.

Cách dùng:

Làm khô da trước khi lăn nách.
Lăn 1 lần/ngày trong 2-3 ngày vào buổi tối, sau đó 1 tuần lăn 1-2 lần hoặc khi cần thiết.
Lăn ở nách sau đó mặc áo trước khi ngủ.
Nếu lăn ở tay thì chú ý đeo găng tay để tránh tình trạng thuốc bay hơi nhanh. Sáng hôm sau phải rửa sạch bằng nước và xà phòng trước khi làm việc.

Lưu ý, khi dùng thuốc lăn, không dùng thêm bất kỳ thuốc khử mùi hay loại giảm tiết mồ hôi khác.

Tăng tiết mồ hôi nách khiến vùng nách luôn ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển...

Tăng tiết mồ hôi nách khiến vùng nách luôn ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển...

- Thuốc uống: Các thuốc uống thường đánh vào cơ chế ức chế acetylcholin như robinul. Tuy nhiên thuốc này ít khi chỉ định vì nhiều tác dụng phụ như gây: Rối loạn nhịp tim, giảm tiết nước bọt, chóng mặt, buồn nôn...

- Can thiệp: Tiêm botox. Phương pháp này đã được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Với cách này, bác sĩ sẽ tiêm botox vào bàn chân/tay hoặc nách có tác dụng giảm tiết mồ hôi rất tốt. Tuy nhiên, phương pháp này có tác dụng phụ gây yếu cơ khi cầm nắm. Do đó chỉ thực hiện khi các biện pháp bôi thuốc tại chỗ hoặc thuốc uống không hiệu quả. Bệnh nhân nên thận trọng khi làm việc hoặc lái xe sau khi tiêm botox.

Với cơ chế ức chế sản xuất acetylcholin, thuốc có thể làm giảm tiết mồ hôi và tác dụng kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó mới cần tiêm nhắc lại.

- Điện chuyển ion:Là phương pháp điện ion có tác dụng bít tuyến mồ hôi tạm thời. Phương pháp này đưa các hạt điện tích của thuốc qua da vào sâu dưới da. Thuốc được sử dụng là aliminum chloride 20% và glycopyrrolate 0,01%. Phương pháp này có thể thay thế cho phương pháp bôi tại chỗ. Mỗi tuần thực hiện 1-2 lần, mỗi lần kéo dài 30 phút.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi bằng dao điện đốt hạch giao cảm ngực. Phương pháp này có nhược điểm khi thực hiện cần gây mê và mặc dù các vị trí nách, tay giảm tiết mồ hôi nhưng các vị trí khác sẽ ra nhiều mồ hôi hơn để bù vào.

BS.Quốc Đạt

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phuong-phap-chua-ra-nhieu-mo-hoi-tay-mo-hoi-nach-169230301082829117.htm