Phương pháp dự đoán người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1
Các nhà nghiên cứu đã phân tích máu của trẻ em có khuynh hướng di truyền phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1.
Đồng thời, xác định một bộ protein dự đoán khả năng tự miễn dịch dẫn đến bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Reports Medicine.
Ở bệnh tiểu đường tuýp 1 (T1D), hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta tiết insulin của tuyến tụy.
Đây là một tình trạng bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các tác nhân và cơ chế gây ra phản ứng tự miễn dịch vẫn chưa được hiểu rõ.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn về protein, hay cụ thể hơn là bộ protein hoàn chỉnh, gọi là proteome, được biểu hiện bởi một sinh vật.
Nghiên cứu điều tra thời điểm và vị trí protein được biểu hiện và tương tác, cũng như cách chúng tham gia vào các quá trình trao đổi chất.
Phân tích protein có thể cung cấp một phương tiện xác định dấu ấn sinh học của bệnh.
Các nhà nghiên cứu từ Viện thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL) ở Washington (Mỹ), đã tìm kiếm các dấu ấn sinh học có thể phát hiện quá trình tự miễn dịch dẫn đến tiểu đường tuýp 1.
Ông Thomas Metz - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Điều thú vị về công trình này là mở ra cơ hội phát hiện khả năng tự miễn dịch sớm hơn chúng ta có thể làm ngay bây giờ.
Điều này cho chúng tôi cơ hội tìm hiểu thêm về nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch kích hoạt cơ thể. Đồng thời, tạo cơ hội khám phá và hiểu rõ hơn về cơ chế phát triển của bệnh tiểu đường so với hiện tại. Từ đó, cung cấp các mục tiêu can thiệp tiềm năng”.
Các tiểu đảo Langerhans trong tuyến tụy của con người chứa ba loại tế bào tiết hormone. Một trong số đó là tế bào beta.
Hiện tại, không có cách nào để xác định liệu một người có khuynh hướng di truyền sẽ phát triển khả năng tự miễn dịch đối với các tế bào tiểu đảo khiến chúng bị phá hủy và dẫn đến tiểu đường tuýp 1.
Việc chẩn đoán thường được thực hiện khi một người có các triệu chứng đường huyết cao.
Những người này thường được chẩn đoán bệnh khi tới bệnh viện hoặc gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu hiện tại được thực hiện trong 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn khám phá, các nhà khoa học đã nghiên cứu 2.252 mẫu máu được thu thập thường xuyên từ 184 trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi.
Từ những đứa trẻ sau này phát triển bệnh tự miễn dịch tiểu đảo hoặc tiểu đường tuýp 1, các nhà nghiên cứu đã xác định được 376 protein bị thay đổi.
Tiếp theo, trong giai đoạn xác nhận, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 6.426 mẫu huyết tương từ 990 trẻ em.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thuật toán máy học để hỗ trợ xử lý số lượng lớn mẫu.
Từ đó, xác định được một bộ gồm 83 protein có sự kết hợp các thay đổi dự đoán trẻ nào sẽ phát triển khả năng tự miễn dịch tiểu đảo hoặc tiểu đường tuýp 1.
Hơn nữa, các protein đã được phát hiện nhiều tháng trước khi xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu này mới chỉ là bước khởi đầu của công việc dự đoán người sẽ phát triển tiểu đường tuýp 1.
Theo New Atlas