'Phương Tây đang cố áp đặt quy tắc lên toàn bộ thế giới'

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Nga gọi nhóm số ít các nước phương Tây đang áp đặt quy tắc lên toàn bộ thế giới và cố gắng gây chia rẽ.

Trung Quốc và Nga cùng tuyên bố mạnh mẽ phản ứng các hành động của Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Trung Quốc và Nga cùng tuyên bố mạnh mẽ phản ứng các hành động của Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi lại những thông điệp phát đi từ cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Phía Bắc Kinh khẳng định "không bao giờ" chấp nhận cái gọi là "quy tắc" do một số ít các nước trên thế giới áp đặt vào nước này.

"Cộng đồng quốc tế không và sẽ không chấp nhận các quy tắc của phương Tây do G7 thống trị nhằm tìm cách chia rẽ thế giới dựa trên các hệ tư tưởng và giá trị”, tuyên bố viết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc nhóm G7 đang "hành động nhân danh Mỹ và chính sách 'Nước Mỹ trên hết'" để áp đặt các tư duy của mình lên các quốc gia khác.

"Đã qua rồi cái thời mà một số ít quốc gia phương Tây có thể cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và thao túng các vấn đề toàn cầu" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

“G7 khoe khoang rằng họ muốn hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Nhưng trên thực tế, họ đang cản trở hòa bình thế giới, làm suy yếu ổn định khu vực và kìm hãm sự phát triển của các nước khác”, tuyên bố của phía Trung Quốc nhấn mạnh.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "G7 cố tình can thiệp vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và công kích Trung Quốc. Trung Quốc đã mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ sự bất mãn, đồng thời gửi một phản đối chính thức đến chính phủ Nhật Bản và các bên liên quan."

Thông cáo chung Hiroshima của nhóm 7 nước có nền kỹ nghệ phát triển nhất thế giới đã bày tỏ những quan điểm nhằm về phía Trung Quốc, bao gồm đánh cắp công nghệ, “cưỡng chế kinh tế”...

Cũng trong ngày 21/5, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng với tuyên bố chung Hiroshima của nhóm G7, cho rằng, kết quả của hội nghị G7 đã dẫn đến các quyết định nhằm tạo ra những ranh giới chia rẽ trong hệ thống quan hệ quốc tế và đe dọa sự ổn định toàn cầu.

Đồng thời, nỗi lo sợ về sự xuất hiện của một thế giới đa cực đã thúc đẩy các thành viên trong G7 hợp tác với nhau để khuếch trương các thông tin sai lệch đối với Nga và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng G7 đã hoàn toàn định sẵn sẽ đối đầu với Nga. Qua nỗ lực của Mỹ, G7 đã đảm nhận vai trò trung tâm trong việc đề ra các biện pháp trừng phạt và các yếu tố khác của một cuộc chiến "hỗn hợp" chống lại Nga, bao gồm việc xác định quy mô và thời gian cung cấp quân sự từ phương Tây cho chính quyền Kiev.

Ngoài ra, Washington, với sự hỗ trợ từ London, đang ép các đồng minh của nó phải đưa ra những quyết định không có lợi cho họ, chẳng hạn như tăng chi tiêu quân sự, hỗ trợ người tị nạn và mua khí đốt từ Mỹ. Đồng thời, các nước trong G7 không ngại kéo các quốc gia không thuộc phương Tây về phía họ và cản trở việc phát triển quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết rằng G7 "rõ ràng là yếu tố chính làm gia tăng những vấn đề toàn cầu. Nó không thể phản ánh lợi ích của các trung tâm phát triển khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh".

Nga đã từng là một thành viên trong nhóm các nền kỹ nghệ lớn nhất thế giới mang tên G8. Tuy nhiên, sau khi Moscow thực hiện việc sáp nhập Bán đảo Crimea và xảy ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine (Donbass) vào năm 2014, Nga đã bị loại khỏi nhóm này. Từ đó, nhóm đã trở thành G7 - nhóm 7 quốc gia hàng đầu về nền công nghiệp trên thế giới.

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuong-tay-dang-co-ap-dat-quy-tac-len-toan-bo-the-gioi-post639686.html