Phương Tây sử dụng chiến lược “nước Nga hôm nay - Trung Quốc ngày mai” để toàn cầu hóa NATO, ông Cui Hongjian - Giám đốc Phòng Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận xét trong bài báo đăng trên tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu).
Lợi dụng cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định thực hiện một số thay đổi đối với hội nghị thượng đỉnh của Liên minh, sẽ được tổ chức tại Madrid vào cuối tháng 6.
Ngoài 30 quốc gia thành viên, một số đối tác ngoài khối cũng được mời bao gồm Thụy Điển và Phần Lan, cũng như các nước đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương xa xôi: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Theo tác giả bài phân tích, sự hiện diện của các quốc gia này tại hội nghị thượng đỉnh nói lên một điều - Liên minh quâ sự Bắc Đại Tây Dương cuối cùng đã quyết định vượt ra ngoài biên giới châu Âu.
“Sau khi mở rộng sang Đông Âu ngay sau Chiến tranh Lạnh và tham gia vào cuộc chiến Afghanistan, NATO đang tìm cách sử dụng xung đột Nga - Ukraine như một cơ hội để toàn cầu hóa tổ chức", ông Cui Hongjian bình luận.
Chuyên gia Trung Quốc nhớ lại: "NATO trong nhiều năm đã tạo nền tảng cho sự lan rộng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. Khối quân sự đã tiến hành vươn các 'xúc tu' của mình theo đúng nghĩa đen ở tất cả các khu vực quan trọng nhất trên hành tinh".
"Họ đã có được chỗ đứng ở châu Âu - Á với sự giúp đỡ của chương trình Đối tác vì Hòa bình, ở Trung Đông và Bắc Phi với thông qua sáng kiến Đối thoại Địa Trung Hải, và ở Vịnh Ba Tư, Liên minh đã nhờ đến dự án Sáng kiến Hợp tác Istanbul".
Bằng cách này, NATO đã vượt qua các ranh giới địa lý và thâm nhập vào lĩnh vực an ninh phi quân sự của những quốc gia khác nhau. Nhiều yếu tố đã được sử dụng cho việc này: khí hậu, cuộc chiến chống khủng bố, nghiên cứu không gian...
Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhìn thấy một lý do mới cho quá trình toàn cầu hóa của mình, đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine.
“Chính trị hóa là một trong những hướng cải tổ của NATO. Mục đích là biến khối quân sự thành một công cụ đáng tin cậy để xuất khẩu những giá trị, thể chế và khái niệm an ninh theo chuẩn phương Tây", ông Hongjian nhận xét.
Theo chuyên gia này, ban lãnh đạo NATO thuyết phục cộng đồng thế giới rằng để xung đột Ukraine không diễn ra ở một nơi nào khác, cần phải đứng về phía Liên minh và hành động vì lợi ích của họ.
Đồng thời, thực tế là phần lớn các nước NATO đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng không được đề cập đến. Thay vào đó, khối quân sự này khiến đối tác sợ hãi với ý nghĩ rằng, ngoài xung đột Ukraine, một cuộc đối đầu với Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu.
Ông Cui Hongjian viết: "Những luận điệu 'nước Nga của ngày hôm nay là Trung Quốc của ngày mai' 'đang được sử dụng để làm gia tăng căng thẳng và đe dọa các nước, tạo ra nhu cầu về an ninh tập thể kiểu NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Ông Hongjian lưu ý rằng NATO đã bao vây Nga theo đúng nghĩa đen trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính sách này ít nhất đã không tăng cường an ninh ở châu Âu cũng như trên thế giới. Thay vào đó, họ kích động một cuộc đối đầu có nguy cơ leo thang thành chiến tranh quy mô lớn.
“Cho rằng bản chất của an ninh khu vực là hòa bình, thì khủng hoảng Nga - Ukraine và cuộc xung đột mới ở châu Âu là một thất bại rõ ràng của NATO”, tác giả kết luận.
Bạch Dương