Phương Tây đau đầu phân tích ý đồ của Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân

Trong cả năm 2022 và đầu năm 2023, Nga đã thường xuyên ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lợi ích quốc gia - điều này khiến giới học giả phương Tây phải đau đầu phân tích ý đồ thực sự của Nga và vạch ra các kịch bản ứng phó.

Chính quyền Tổng thống Nga Putin trong năm 2022 đã nhiều lần bắn tín hiệu về việc xung đột Ukraine có thể đẩy Nga tới chỗ phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân. Tần suất bắn tín hiệu như thế có giảm vào cuối năm 2022 nhưng sang năm 2023, những lời ám chỉ như vậy lại tiếp tục gia tăng.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, cựu Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố rằng thế giới đối mặt với nguy cơ ngày tận thế nếu phương Tây tiếp tục cung cấp cho Ukraine các vũ khí hiện đại.

Hình ảnh minh họa về nổ bom hạt nhân. Nguồn: Ready.gov.

Hình ảnh minh họa về nổ bom hạt nhân. Nguồn: Ready.gov.

Nga tái giải thích về vấn đề sinh tồn

Giới học giả của Quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chủ yếu là một chiến thuật để gây hoang mang cho những đối tượng phương Tây nhất định, và từ đó làm suy yếu mối liên kết giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây. Các học giả phương Tây cho rằng Nga vẫn nghiêng về phương án chỉ sử dụng vũ khí thông thường, còn những lời nhắc nhở của Nga về vũ khí hạt nhân chỉ để nhằm chia rẽ nội bộ phương Tây.

Tuy nhiên, nhóm học giả này cũng không chắc liệu Nga có loại trừ sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Họ đã nghĩ về nhiều kịch bản khác nhau trong nội tình nước Nga cũng như trong quan hệ giữa Nga và bên ngoài khiến Nga phải dùng tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nga sở hữu một kho 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong học thuyết hạt nhân mới nhất của Nga, có 4 hoàn cảnh biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân: 1- Khả năng (cận kề) nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga; 2- đối phương đã dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Nga; 3- mối đe dọa ngăn chặn sự kiểm soát của Nga đối với kho vũ khí hạt nhân của mình; và 4- mối đe dọa sự sinh tồn của Nga.

Ban lãnh đạo Nga hiện đang giải thích lại khái niệm về mối đe dọa.

Thứ nhất, tại một hội nghị gần đây, Tổng thống Nga Putin nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an toàn cho người dân Nga”. Đây là một bước phát triển mới theo hướng rộng hơn từ ý tưởng cho rằng vũ khí hạt nhân có thể được dùng nếu Nga đối mặt với mối đe dọa sinh tồn nghiêm trọng.

Thứ hai, Tổng thống Putin và đội ngũ của mình đã đưa xung đột Ukraine vào các thuật ngữ về sinh tồn: Nếu NATO “chiếm” Ukraine, thì sau đó sẽ đến lượt Nga. Mục đích của NATO theo cách nhìn của điện Kremlin là để làm tan rã nước Nga. Do vậy, việc để mất Ukraine là mối đe dọa sinh tồn đối với Nga, Mà theo học thuyết quân sự Nga, mối đe dọa sinh tồn là cơ sở để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo lập luận này, Nga phải chiến đấu với khối quân sự NATO ở Ukraine, nếu không, sau đó Nga sẽ phải chiến đấu với NATO trên chính đất Nga.

Nói rộng ra, Nga tin rằng mình đang ở trong một cuộc đấu tranh toàn cầu với phương Tây - một cuộc đấu tranh diễn ra trên các mặt văn hóa chính trị, ngôn ngữ và lãnh thổ. Kremlin tin rằng phương Tây đang tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, không phải ở châu Phi và châu Á như thời Chiến tranh Lạnh mà ở Ukraine và các nước láng giềng khác của Nga, cũng như trên mạng internet để giành giật trái tim, khối óc của các công dân Nga. Học thuyết Nga chỉ rõ rằng nhà nước Nga đang trong cuộc xung đột sâu sắc với phương Tây.

Định hướng và đối sách của phương Tây trước học thuyết Nga

Trước tiên, phương Tây cố gắng tuyên truyền cho người dân của họ nhận thức về cái mà họ gọi là mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Nga. Sau Chiến tranh Lạnh, phương Tây “xao lãng” việc này nhưng giờ thì họ đang đẩy mạnh trở lại.

Thứ hai, Mỹ và đồng minh tìm cách cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi phóng xạ trong tình huống vũ khí hạt nhân được sử dụng, xảy ra một cuộc tấn công thông thường vào cơ sở hạt nhân, hoặc có một tai nạn tại một nhà máy điện hạt nhân nào đó nằm trong khu vực có các hoạt động quân sự.

Thứ ba, chính phủ Mỹ (được Anh và Pháp hậu thuẫn) có thể triển khai một loạt giải pháp để thuyết phục Nga tránh nhắc tới vũ khí hạt nhân và sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ cũng phải tìm cách để tối thiểu hóa các hậu quả thảm khốc trong trường hợp Nga thực sự triển khai vũ khí hạt nhân trên thực địa.

Giải pháp thứ nhất do các học giả phương Tây đưa ra là họ cần tạo sự răn đe bằng phản ứng tập thể mạnh mẽ, dựa trên vũ khí thông thường, để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Biện pháp cụ thể thứ hai mà phương Tây nghĩ tới là bảo đảm các đồng minh tiềm tàng của Nga ở cả thế giới thứ ba lẫn các nước phát triển sẽ nhắc Moscow về việc không nên dùng vũ khí hạt nhân. Nhân tố chủ lực mà phương Tây nhắm tới ở đây là Trung Quốc và Ấn Độ, kế đến là Pháp và Đức.

Biện pháp thứ ba được phương Tây tính tới là xây dựng một hệ thống theo dõi toàn diện để chuẩn bị cho tình huống bị tấn công hạt nhân hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm hạt nhân dân sự do cố tình hoặc vô ý.

Theo đó, phương Tây sẽ chú trọng các nước ở Đông Âu và vùng Scandinavia, hợp tác với họ về cách thức phát hiện và theo dõi mức độ phóng xạ. Ngoài ra, hệ thống dò tìm này cũng sẽ được thiết lập trên khắp châu Âu và kết nối với chính phủ các nước. Trong tình huống mức độ sử dụng vũ khí hạt nhân gia tăng, hệ thống có thể được mở rộng lên cấp độ toàn cầu.

Liên quan đến biện pháp thứ ba này, học giả phương Tây cho rằng phương Tây còn phải chuẩn bị các kho y tế (tích trữ thuốc potassium iodide để xử lý khi bị nhiễm phóng xạ) và bảo đảm nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân.

Biện pháp thứ tư là chủ động, tích cực duy trì các kênh liên lạc mở với Nga trong mọi tình huống.

Theo Trung Hiếu/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/phuong-tay-dau-dau-phan-tich-y-do-cua-nga-ve-su-dung-vu-khi-hat-nhan/20230521071502658