Phương Tây dùng 'vũ khí hạt nhân tài chính', loại ngân hàng Nga khỏi SWIFT

Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada ngày 26.2 nhất trí loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

"Bước đi này sẽ đảm bảo rằng những ngân hàng này bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính quốc tế, khiến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu bị tổn hại" – tuyên bố chung của Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Mỹ khẳng định.

Hãng thông tấn RIA ngày 26.2 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tất cả các đơn vị của nước này tại Ukraine đã nhận được lệnh nối lại chiến dịch quân sự đặc biệt từ mọi hướng sau khi tạm dừng hôm 25.2. Trong ảnh: Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga ở gần thị trấn Hostomel và sân bay Antonov, phía Tây Bắc thủ đô Kiev, ngày 24.2.2022. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo đài CNBC, điều này đồng nghĩa Nga sẽ bị tách khỏi phần lớn hệ thống tài chính quốc tế. Iran đã bị loại khỏi SWIFT vào năm 2014 vì chương trình phát triển hạt nhân.

SWIFT là một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hệ thống này được một quan chức giấu tên mô tả là "G-mail dành cho ngân hàng".

"Nếu một trong những ngân hàng Nga bị loại ra khỏi SWIFT muốn thực hiện hoặc nhận thanh toán với một ngân hàng bên ngoài Nga, chẳng hạn như ngân hàng ở châu Á, ngân hàng đó giờ đây cần sử dụng điện thoại hoặc máy fax. Rất có thể, ngân hàng trên toàn thế giới sẽ ngừng giao dịch hoàn toàn với các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT" – vị này giải thích thêm.

Nga nhận "mưa trừng phạt" từ phương Tây sau khi triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Ảnh: Reuters

Nga nhận "mưa trừng phạt" từ phương Tây sau khi triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Ảnh: Reuters

Mỹ và các đồng minh còn tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn ngân hàng trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ theo những cách có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt.

Giới lãnh đạo EC, Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Mỹ cũng có kế hoạch hạn chế việc bán cái gọi là hộ chiếu vàng, vốn bị xem là kẽ hở cho phép những người Nga giàu có và có mối liên hệ với Điện Kremlin trở thành công dân ở các quốc gia khác để truy cập vào một số hệ thống tài chính nhất định.

"Chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu du thuyền, căn hộ sang trọng, tiền bạc và khả năng đưa con cái của họ đến những ngôi trường danh giá ở phương Tây" – vị này nói thêm.

Đây là đợt trừng phạt mới nhất được phương Tây áp vào Nga sau khi quốc gia này tấn công Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavro ngày 25.2 bị phương Tây áp lệnh trừng phạt cá nhân. Ảnh: Reuters

Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavro ngày 25.2 bị phương Tây áp lệnh trừng phạt cá nhân. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh bước đi của Mỹ và đồng minh khi khẳng định trên mạng xã hội Twitter rằng: "Ukraine đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ thực sự của các bạn trong thời kỳ đen tối này. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên".

Trước đó 1 ngày, Mỹ cùng Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố lệnh trừng phạt cá nhân nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavro của Nga.

Cao Lực

Nga cảnh báo sẽ xem xét lại quan hệ với các nước áp đặt trừng phạt

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26.2 cho biết các lệnh trừng phạt hiện nay chống Nga có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Vkontakte, ông Medvedev viết: "Các lệnh trừng phạt là lý do rõ ràng để xem xét lại toàn bộ quan hệ với những nước đã áp đặt trừng phạt và dừng đối thoại về sự ổn định chiến lược."

Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass.

Ông Medvedev khẳng định chiến dịch này sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi đạt kết quả cuối cùng.

Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.

_______________

Nga cấm các hãng hàng không của Ba Lan, Bulgaria và Séc

Cơ quan hàng không dân dụng Nga ngày 26.2 cho biết nước này đã cấm các hãng hàng không của Ba Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc bay đến Nga hoặc bay qua không phận Nga, nhằm đáp trả các động thái tương tự của các nước này.

Máy bay cất cánh từ sân bay Rostov-on-Don ở Rostov, phía Đông biên giới với Ukraine. Ảnh: Shutterstock/TTXVN

Máy bay cất cánh từ sân bay Rostov-on-Don ở Rostov, phía Đông biên giới với Ukraine. Ảnh: Shutterstock/TTXVN

Trước đó, đầu tuần này, Nga đã cấm toàn bộ các hãng hàng không của Anh để đáp trả lệnh cấm của London đối với các chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot đến Anh.

Cùng ngày 26.2, hãng hàng không airBaltic của Latvia thông báo hãng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay tới Nga đến ngày 26.3.

Thông báo nêu rõ: "Sự an toàn và an ninh của hành khách và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của airBaltic."

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Litva Marius Skuodis cho biết các nước vùng Baltic (gồm Latvia, Estonia và Litva) đã nhất trí về nguyên tắc sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay của Nga.

Trong một thông báo trên mạng xã hội Facebook, ông Skuodis viết: "Chúng tôi đang chuẩn bị các tài liệu để chính phủ thông qua quyết định. Kế hoạch của chúng tôi là đưa ra các bước đi đồng thời."

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phuong-tay-dung-vu-khi-hat-nhan-tai-chinh-loai-ngan-hang-nga-khoi-swift-33827.html