Phương Tây lo ngại chiến tranh hạt nhân sau khi Nga tố âm mưu 'bom bẩn'

Sau khi Nga cảnh báo Ukraine có thể chuẩn bị sử dụng 'bom bẩn' (bom phát tán phóng xạ), Ukraine và phương Tây thực sự lo ngại đó có thể là cái cớ để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tạo đột phá cho cục diện xung đột Ukraine.

Cảnh báo của Nga về đòn tấn công bằng bom bẩn

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 23/10/2022 gọi điện cho người đồng cấp ở Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ để cảnh báo rằng Ukraine có thể đang chuẩn bị tấn công bằng “bom bẩn”.

Một quả bom bẩn thường được hiểu là thiết bị nổ thông thường nhưng nén đầy các vật liệu phóng xạ. Mục đích của vũ khí như thế là gây ô nhiễm một khu vực lớn, khiến cho nơi đó không thể sinh sống được nữa, có thể trong một thời gian rất dài.

Vật liệu phóng xạ không thể tiêu hủy về mặt vật lý. Thường thường chúng được chôn chắc chắn trong các hang sâu dưới lòng đất để không thể bị tan vào đất hoặc nước.

Khói bốc cao sau một vụ nổ ở miền Tây Ukraine. Ảnh: AP.

Khói bốc cao sau một vụ nổ ở miền Tây Ukraine. Ảnh: AP.

Báo chí Nga đã đăng tải hàng loạt bài báo đưa ra những lời cảnh báo tương tự, với các tuyên bố về việc Nga có nhiều thông tin tình báo về ý định của Ukraine và năng lực của Ukraine trong chế tạo vũ khí phóng xạ.

Trong các cuộc điện thoại hôm 24/10 với các nước NATO, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov lặp lại cáo buộc do ông Shoigu đưa ra.

Bom phóng xạ không phải là bom hạt nhân, nó không có sức nổ như bom hạt nhân. Tuy nhiên, nó có thể khiến công chúng hoảng sợ do có liên quan đến vật liệu phóng xạ giống như bom hạt nhân.

Phương Tây lo ngại và nghi ngờ

Trong một thông cáo, Mỹ, Anh, Pháp xác nhận bộ trưởng quốc phòng các nước này đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và bác bỏ cáo buộc do phía Nga đưa ra về bom bẩn. Thông cáo cảnh báo về việc sử dụng cáo buộc bom bẩn làm cớ leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Trong cuộc điện đàm hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đã nói với ông Shoigu rằng Ukraine không chuẩn bị bom bẩn. Lãnh đạo quốc phòng Mỹ cảnh báo Nga đang tạo cớ để biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng ra thông cáo nói rằng họ quan ngại về việc sử dụng cáo buộc bom bẩn làm cớ để gia tăng căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Giới chức Mỹ nhận thấy mức độ quan ngại về Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đã gia tăng.

Trong các tuần gần đây, các trợ lý của Tổng thống Mỹ Biden đã nghiên cứu kỹ về bài học Khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba năm 1962 giữa Mỹ và Liên Xô.

Về phần mình, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng ông đã mời Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tới Ukraine để xác nhận nước này không chế tạo các quả bom bẩn.

Nhìn lại lịch sử nguy cơ bom bẩn

Vào tháng 11/1995, các phiến quân Chechnya liên lạc với một đài truyền hình Nga và nói rằng họ đang chuẩn bị vũ khí phóng xạ. Người ta đã phát hiện được một quả bom chôn ở công viên Ismailovsky ở thủ đô Moscow. Quả bom làm từ thuốc nổ cực mạnh và chất phóng xạ Cesium-137. Nguồn gốc vật liệu phóng xạ sau đó đã không bao giờ được xác định.

Năm 2002, một phần tử của tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda, Jose Padilla, đã bị bắt tại Mỹ vì tội âm mưu chế tạo và kích nổ một vũ khí phóng xạ.

Vào thời điểm Ukraine tách ra độc lập, nước này sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, bao gồm “130 tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân gắn trên mỗi quả tên lửa như vậy, 46 tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-23 Molodet với 10 đầu đạn hạt nhân gắn trên mỗi quả tên lửa, cũng như 33 máy bay ném bom hạng nặng, với tổng số xấp xỉ 1.700 đầu đạn”.

Năm 1994 (ba năm sau khi tách khỏi Liên Xô), Ukraine đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của mình và tiếp nhận các bảo đảm hạt nhân trong khuôn khổ Bản ghi nhớ Budapest với các bên ký kết bao gồm Ukraine, Nga, Mỹ và Anh.

Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã triển khai một số hệ thống có năng lực hạt nhân trên bán đảo này.

Tình hình thực địa

Hiện nay, vùng Kherson (ở Nam Ukraine) do Nga kiểm soát đã được sơ tán dân, nên phương Tây lo ngại có thể sẽ có đột biến nào đó xảy ra trong vùng này, kéo theo khả năng vũ khí hạt nhân chiến thuật được kích hoạt.

Không quân Nga hiện chưa giành được ưu thế cao ở trên không. Trên bộ, lục quân Nga bị phía Ukraine giành lại một số địa bàn. Thực tế này càng khiến phương Tây nghĩ đến kịch bản Nga sẽ khai hỏa vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả.

Mặc dù vậy, cho tới nay, giới chức Mỹ nói rằng họ không thấy dấu hiệu Nga di chuyển số vũ khí chiến thuật của mình (khoảng 2.000 đơn vị).

Tuy nhiên, các vũ khí chiến thuật này có kích cỡ nhỏ nên không rõ liệu giới chức Mỹ đã thấy các vũ khí đó chưa dù rằng họ có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy hoạt động của các lực lượng Nga được đào tạo về vũ khí hạt nhân.

Cũng trong ngày 24/10, tướng Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã trao đổi với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov.

Nói về cuộc trao đổi này, Phát ngôn viên của tướng Milley, đại tá Dave Butler, sau đó cho biết: “Các nhà lãnh đạo quân sự đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến an ninh được quan tâm và đồng ý duy trì các đường dây liên lạc”./.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: Asia Times, New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-lo-ngai-chien-tranh-hat-nhan-sau-khi-nga-to-am-muu-bom-ban-post979695.vov