Một tổ chức "OPEC khí đốt" do Nga và Saudi Arabia thành lập sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với phương Tây, có thể dẫn tới giá thành nhiên liệu xanh tăng đột biến.
Với việc áp dụng các biện pháp tự hạn chế khai thác và xuất khẩu dầu thô, Nga cùng với Saudi Arabia đã đạt được đòn bẩy mạnh mẽ về giá trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, cả hai nước đều có trữ lượng khí đốt lớn hàng đầu thế giới, vậy tại sao Riyadh và Moskva không thể lặp lại biện pháp được chứng minh là rất hiệu quả trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch?
Moskva và Riyadh từ lâu đã bị đồn đoán rằng đang cố gắng tạo ra một công cụ có thể kiểm soát thị trường nhiên liệu và từ đó trao chìa khóa toàn bộ hệ thống năng lượng xanh cho hai nhà xuất khẩu nổi tiếng.
Tuy nhiên tất cả các thành viên tiềm năng hiện đều phủ nhận việc có ý định thành lập một "OPEC khí đốt" mới.
Theo tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Moskva không có kế hoạch thành lập một tổ chức các quốc gia xuất khẩu khí đốt tương tự như OPEC. Trên thực tế, Nga chính thức phủ nhận thông tin về việc sẽ vận động thành lập một cơ cấu như vậy.
"Thậm chí không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thành lập một tổ chức mới nhằm kiểm soát việc xuất khẩu khí đốt", ông Alexander Novak cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters.
Những gì tồn tại và ở dạng đã phát triển theo giải thích không phải là nỗ lực áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt, hoặc tạo ra vị thế độc quyền cho một số nhà cung cấp nhất định.
Diễn đàn các quốc gia xuất khẩu khí đốt (GECF) hiện là tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt, nhưng cơ cấu nói trên không điều phối nguồn cung ra thị trường như OPEC.
Nga là thành viên của GECF, và Phó Thủ tướng Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng tổ chức khí đốt này “chủ yếu tham gia vào việc trao đổi quan điểm thay vì áp đặt”.
Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) có ý định loại bỏ dần khí đốt của Nga vào năm 2027 sau những gì diễn ra xung quanh cuộc xung đột Ukraine, họ thậm chí còn đang cố gắng đẩy nhanh quá trình này.
Mất thị trường châu Âu, Nga đã tăng cường xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang Trung Quốc và đưa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ra toàn cầu, khi loại nhiên liệu này vốn không bị trừng phạt hoặc bị hạn chế quá mức do châu Âu đang thiếu khí đốt.
Theo nhận xét, rõ ràng Nga không có lợi ích gì khi tạo ra hoặc tham gia vào một tổ chức như "OPEC khí đốt", bởi vì thị trường đã bị phân cực, không có sự thống nhất và nhu cầu cấp thiết như những gì OPEC đang kiểm soát.
Bên cạnh đó, nếu quá chú tâm vào việc kiểm soát nguồn cung, Nga và Saudi Arabia có thể khiến cho phương Tây quyết tâm hơn trong việc hoàn thiện chiến lược "xanh hóa" năng lượng.
Và hơn hết, dưới áp lực từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới, khó có quốc gia nào chấp nhận gia nhập liên minh khí đốt mới vào thời điểm hiện nay.