Phương Tây muốn gây sức ép với Nga tại hội nghị G20

Các quốc gia phương Tây đang chuẩn bị thực hiện các bước đi phối hợp và các hành động ngoại giao khác để gây sức ép với Nga về cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc họp vào ngày mai (21/4) của các Bộ trưởng Tài chính G20 ở Washington, Mỹ.

Hôm thứ Ba (19/4), Nga xác nhận Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov sẽ dẫn đầu phái đoàn của nước này tại cuộc đàm phán G20 sắp tới, bất chấp sự phản đối liên tục của các nhà ngoại giao phương Tây rằng họ không thể tiếp tục ứng xử bình thường sau cuộc xung đột giữa nước này và Ukraine.

Hội nghị G20 sẽ được tổ chức ở Washington, Mỹ vào ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Nga muốn Brazil giúp đỡ để không bị loại khỏi IMF, WB và G20

Chủ tịch G20 Indonesia đề xuất các tiêu chuẩn sức khỏe du lịch

Phương Tây muốn loại Nga khỏi nhóm G20

Trung Quốc đề nghị G20 không thảo luận về xung đột Nga - Ukraine

"Trong và sau cuộc họp, chúng tôi chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ và chúng tôi sẽ không đơn độc", một nguồn tin của chính phủ Đức cho biết, đồng thời cáo buộc Nga khơi mào một cuộc xung đột khiến giá lương thực và năng lượng thế giới tăng vọt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có kế hoạch tránh các phiên họp G20 có sự tham gia của các quan chức Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng sẽ không tham dự một số phiên họp nhất định của G20.

Sự chia rẽ mở rộng bởi cuộc xung đột Ukraine đặt ra câu hỏi về tương lai của G20 với tư cách là diễn đàn chính sách kinh tế hàng đầu thế giới. Nhóm này đang tập trung vào các vấn đề cải cách thuế toàn cầu, xóa nợ đại dịch và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu cố vấn IMF, cho biết: “G20 có nguy cơ tan rã và những gì diễn ra trong tuần này sẽ vô cùng quan trọng".

Ngoài các quốc gia G7 là Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ý, G20 còn kết hợp các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, những nước có quan điểm hoàn toàn khác nhau về cách thức hoạt động của nền kinh tế toàn cầu.

Việc Nga xung đột với Ukraine và việc một số quốc gia G20 chọn không tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga chỉ là thách thức mới nhất đối với nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc toàn cầu về thương mại và tài chính.

Hoàng Nam (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phuong-tay-muon-gay-suc-ep-voi-nga-tai-hoi-nghi-g20-post190746.html