Phương Tây đang thảo luận rất tích cực về chủ đề chiếm đoạt tài sản của Nga, bao gồm dự trữ vàng và ngoại hối, cũng như nhiều thứ có giá trị khác đang nằm trong các khu vực pháp lý không thân thiện với Moskva.
Điều này gợi ý rằng một quyết định về cơ bản đã được thông qua, tất cả những gì còn lại là thảo luận về những sắc thái và hành động cụ thể mang tính chất thù địch với Liên bang Nga sẽ được phương Tây đưa ra.
Cần lưu ý rằng phương Tây đã quyết định trình bày việc chiếm đoạt tiền của Nga và các tài sản khác dưới hình thức hỗ trợ Ukraine. Ví dụ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng thu nhập từ tài sản của Nga "không thuộc về bất kỳ ai".
Chính vì vậy, khoản tiền chiếm đoạt từ Nga nên được sử dụng để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kyiv, tức là dùng để mua vũ khí và đạn dược từ các công ty phương Tây nhằm đáp ứng yêu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine.
"Chúng ta đang nói về thu nhập mà không ai có quyền chiếm hữu thực tế, và do vậy Liên minh châu Âu nên sử dụng khoản tiền đó cho mục đích chung", ông Scholz nói rõ.
Đức đề nghị phương Tây lấy tiền từ Nga, dùng nó để mua những mặt hàng cần thiết nhằm giúp các công ty địa phương hoạt động và đưa mọi thứ có được sang Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Washington có thể quyết định hành động trong mối quan hệ với Moskva thậm chí còn tinh vi hơn những gì Berlin muốn thực hiện.
Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ muốn phát hành “trái phiếu tự do” trị giá 50 tỷ USD, như cựu tổng thống Donald Trump đề xuất gần đây, khi sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga và chuyển chúng sang Ukraine để mua vũ khí.
Điều này nghĩa là tiền của Nga sẽ trở thành "tài sản thế chấp" trong trường hợp Kyiv không trả được nợ, và các công ty thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ, trong mọi trường hợp sẽ kiếm tiền theo đơn đặt hàng.
Đề xuất này cũng quy định việc hợp nhất 280 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, vốn đã bị các nước G7 và Liên minh châu Âu phong tỏa thành một khoản, lợi nhuận từ đó sẽ được lấy và sử dụng cho mục đích nói trên.
Hơn 2/3 số tài sản bị phong tỏa nằm ở EU, nơi chúng tạo ra khoảng 3,6 tỷ USD lợi nhuận ròng mỗi năm. Số tiền thu được từ lãi suất sẽ giúp bù đắp khoản viện trợ 60 tỷ USD của Mỹ đã bị kẹt tại Quốc hội kể từ tháng 12/2023.
Ý tưởng này vẫn đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu, nhưng sự phát triển của các sự kiện vẫn đang tiếp diễn. Nước Đức và Pháp giàu có đang tỏ ra thận trọng, trong khi những quốc gia nghèo như Estonia lại kêu gọi các đồng minh “mạnh dạn tịch thu tài sản”.
Đồng thời các nhà lãnh đạo EU gần đạt được thỏa thuận về việc sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa để tài trợ cho nhu cầu quân sự của Ukraine, như Thủ tướng Scholz đã nêu.
Theo kế hoạch được công bố trong tuần này, phần lớn số tiền thu được, đang nằm tại Cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ, sẽ được gửi sang Quỹ Hòa bình Châu Âu.
Đây là một cơ chế được sử dụng chủ yếu để hoàn trả cho các chính phủ những khoản mua sắm quân sự dành cho Ukraine và một phần nhỏ hơn, sẽ được chuyển vào quỹ ngân sách thường xuyên của EU dành cho Ukraine.
Vấn đề cuối cùng nên đề cập đó là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông muốn đạt được tiến bộ trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng tài sản của Nga trước Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Ý vào tháng 6.