Phương Tây siết vòng vây buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày
Cuộc xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn mới khi Mỹ và các đồng minh phương Tây gia tăng áp lực, yêu cầu Moscow chấp nhận ngừng bắn 30 ngày tại do Washington đề xuất.
Hôm 8/5, Tổng thống Donald Trump một lần nữa kêu gọi Nga và Ukraine thực hiện “lệnh ngừng bắn vô điều kiện” trong 30 ngày, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ và các đối tác sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Kremlin tiếp tục phớt lờ yêu cầu.
Đây là lần thứ hai trong tuần ông Trump công khai gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nhiều lần bác bỏ đề xuất này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục kêu gọi một lệnh ngừng bắn "vô điều kiện" giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters.
Châu Âu đồng lòng hậu thuẫn
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã đặt việc chấm dứt xung đột Ukraine là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông cử đặc phái viên Steve Witkoff đến Nga bốn lần để gặp trực tiếp ông Putin, bên cạnh hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao khác giữa quan chức Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, bất chấp những nhượng bộ chưa từng có từ phía Mỹ, Nga vẫn kiên quyết không chấp nhận lệnh ngừng bắn ngắn hạn, vốn được xem là bước đệm cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Hiện tại, có vẻ như ông Trump đang dần mất kiên nhẫn trước sự trì hoãn của ông Putin. Động thái cảnh báo trừng phạt mới nhất cũng đánh dấu bước chuyển trong cách tiếp cận của Mỹ, vốn trước đó đôi lúc thể hiện sự mềm mỏng với Điện Kremlin, CNN nhận định.
Vài ngày trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã cảnh báo rằng Washington sẽ rút khỏi đàm phán nếu không có tiến triển. Thay vì lùi bước, Mỹ đang dẫn dắt các đồng minh châu Âu của Ukraine để tạo ra một mặt trận thống nhất, nhằm buộc Nga phải thay đổi lập trường.

Đặc phái viên Steve Witkoff đã gặp trực tiếp Tổng thống Nga Putin để thảo luận về vấn đề tại Ukraine. Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng hưởng ứng. Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz dự kiến gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv vào ngày 10/5.
Văn phòng Thủ tướng Starmer cho biết các nước này quyết tâm “tăng cường áp lực lên cỗ máy quân sự của Nga” cho đến khi Moscow chấp nhận ngừng bắn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã trao đổi với ông Trump “nhiều lần”, đồng thời ca ngợi lời kêu gọi “mạnh mẽ” của ông Trump về một lệnh ngừng bắn 30 ngày không điều kiện.
“Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức, không trì hoãn, không vòng vo. Ukraine đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này từ gần hai tháng trước. Giờ là lúc Nga phải có phản hồi tương xứng”, Tổng thống Macron tuyên bố trên nền tảng X.
Ông cũng khẳng định nếu Moscow tiếp tục khước từ, Pháp sẽ “đáp trả cứng rắn, cùng các quốc gia châu Âu khác và phối hợp chặt chẽ với Mỹ”.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 9/5, ông Macron cũng một lần nữa xác nhận sẽ có một hội nghị, kết hợp cả trực tuyến và gặp mặt trực tiếp, tại Kyiv vào ngày 10/5.
Nga phô trương sức mạnh, châu Âu phô diễn sự đoàn kết
Tổng thống Zelensky hôm 9/5 cũng đã úp mở về một thông báo quan trọng liên quan đến chi tiết của đề xuất ngừng bắn, dự kiến được công bố ngay trong ngày hôm sau. Ông cho biết các nhà lãnh đạo của “Liên minh Sẵn sàng” - nhóm các quốc gia phương Tây cam kết bảo vệ Ukraine - sẽ hội tụ tại Kyiv để thảo luận vấn đề này.
Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết, hôm 8/5, trong một bữa tối tại hội nghị thượng đỉnh ở Oslo, lãnh đạo 10 quốc gia Bắc Âu thuộc Liên minh Hành động Chung (JEF) bao gồm Anh, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đã gọi điện cho cả ông Trump và ông Zelensky.

Liên minh Hành động Chung (JEF) tại hội nghị thượng đỉnh ở Oslo hôm 8/5. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết mang lại hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất ngừng bắn 30 ngày và sự hỗ trợ liên tục từ châu Âu cũng như Mỹ cho tiến trình hòa bình”.
Trong khi ông Putin tổ chức một cuộc duyệt binh quân sự hoành tráng tại Moscow, các đồng minh châu Âu của Ukraine đã chọn cách hành động thiết thực để ủng hộ Kyiv.
Ngày 9/5, hàng chục phái đoàn nước ngoài đã có mặt tại thành phố Lviv, miền tây Ukraine, để bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất ngừng bắn và sáng kiến thành lập một tòa án đặc biệt nhằm điều tra các hành vi can thiệp quân sự tại Ukraine.
Những cái tên nổi bật tham dự bao gồm Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas, Ngoại trưởng Anh David Lammy, tân Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cùng nhiều nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước châu Âu khác. Sự hiện diện của họ không chỉ là một thông điệp gửi đến Nga mà còn khẳng định sự đoàn kết của phương Tây trong việc bảo vệ Ukraine.