Xung đột leo thang: 3 sân bay Pakistan bị tên lửa tiến công, 70% lưới điện Ấn Độ tê liệt
Xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng leo thang với những diễn biến mới ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, chiến sự đã lan đến gần thủ đô hai nước.

Căn cứ không quân của Pakistan bị trúng tên lửa Ấn Độ. Ảnh: Dongfang.
Ấn Độ tấn công tên lửa vào 3 sân bay Pakistan
Ngày 10/5, người phát ngôn quân đội Pakistan cho biết Ấn Độ đã phóng tên lửa vào ba căn cứ không quân ở Pakistan, một trong số đó nằm gần thủ đô Islamabad của Pakistan. Ông này nói, hầu hết các tên lửa đã bị đánh chặn, nhưng một số tên lửa vẫn gây ra thiệt hại. Quân đội Pakistan đã tiến hành phản công và tấn công vào nhiều mục tiêu ở Ấn Độ, phạm vi bao trùm nhiều khu vực trên khắp đất nước, trong đó đã đánh trúng địa điểm Ấn Độ dùng để phóng tên lửa Brahmos.
Pakistan tuyên bố rằng trong chiến dịch quân sự chống lại Ấn Độ ngày hôm đó, "70% lưới điện của Ấn Độ đã bị tê liệt do các cuộc tấn công mạng". Quân đội Pakistan cho biết hành động quân sự này là nhằm đáp trả các hành động khiêu khích liên tục của Ấn Độ. Ngoài ra, truyền thông Ấn Độ đưa tin phía Pakistan đã tuyên bố đóng cửa không phận.

Nhà ở của dân Ấn Độ ở Kashmir bị trúng đạn pháo của Pakistan. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ: 5 người thiệt mạng trong vụ pháo kích của Pakistan
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết, vào sáng sớm ngày 10/5, phía Pakistan đã tiến hành các cuộc pháo kích vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một người được xác nhận là quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ, và hai nhân viên đi cùng ông bị thương nặng. Cùng lúc đó, quân đội Ấn Độ đã khởi động một hệ thống tên lửa đất đối không.
Trang web India Today đưa tin các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết các tiền đồn của Pakistan và một bệ phóng "của bọn khủng bố" gần khu vực Jammu thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã bị quân đội Ấn Độ phá hủy. Những tiền đồn và bệ phóng này đã được sử dụng để phóng máy bay không người lái.
Theo CNN ngày 10/4, sau khi Pakistan chính thức tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Ấn Độ, một quan chức Ấn Độ cho CNN biết Ấn Độ đang đáp trả hành động của Pakistan.
Quân đội Pakistan phóng tên lửa sang Ấn Độ. Ảnh: Singtao.
Pakistan bắn hạ thêm 1 máy bay chiến đấu của Ấn Độ
Theo CCTV News, trích dẫn nguồn tin quân sự Pakistan, vào ngày 10/5 theo giờ địa phương một máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ đã bị bắn hạ gần Sialkot, tỉnh Punjab, Pakistan. Phi công Ấn Độ đã bị bắt. Phía Ấn Độ hiện chưa xác nhận tin tức này.
CCTV đưa tin, ngày 10/5, các nguồn tin quân sự Pakistan cho biết các máy bay chiến đấu của Không quân Pakistan đang tiến hành các cuộc không kích vào các căn cứ không quân Gujarat, Ambala, Jalandhar trong lãnh thổ Ấn Độ. Các máy bay chiến đấu của Pakistan đã bay vào không phận Ấn Độ. Theo tin của truyền thông Pakistan, máy bay không người lái của Pakistan đã bay qua vùng trời thủ đô New Delhi.

Căn cứ không quân của Ấn Độ bị trúng tên lửa. Ảnh: Dongfang.
Khoảng 70% lưới điện của Ấn Độ bị tê liệt
Theo nguồn tin quân sự Pakistan, ngày 10/5 theo giờ địa phương, chiến dịch quân sự “Operation Bunyan ul Marsoos” (Bức tường sắt) do nước này phát động đã khiến khoảng 70% lưới điện của Ấn Độ bị tê liệt. Ngoài ra, các nguồn tin quân sự Pakistan cho biết trong chiến dịch này, các cuộc tấn công chính xác đã được tiến hành nhằm vào các cơ sở quân sự quan trọng ở nhiều nơi tại Ấn Độ, gây thiệt hại cho các cơ sở này và gây thương vong. Tin cho biết khu vực Delhi ở Ấn Độ cũng đã chính thức nằm trong mục tiêu tấn công của Pakistan.
Tin của phía Pakistan nói, chiến dịch này được triển khai nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ấn Độ và phạm vi tấn công bao phủ nhiều khu vực trên khắp cả nước. Pakistan cho biết đợt tấn công đầu tiên đã đánh trúng một cơ sở lưu trữ tên lửa ở bang Punjab của Ấn Độ. Chỉ vài giờ sau khi chiến dịch quân sự “Bức tường sắt” được triển khai, Ấn Độ đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng phối hợp chưa từng có.
Theo CCTV, nguồn tin quân sự Pakistan cho biết, trong chiến dịch quân sự "Bức tường sắt" này, Pakistan đã tiến hành một cuộc tấn công mạng, làm tê liệt khoảng 70% lưới điện của Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa chính thức phản hồi về vụ tấn công bằng tên lửa hoặc tình trạng của các cơ sở bị hư hại.

Tên lửa Ấn Độ bắn sang Pakistan gây cháy. Ảnh: Singtao.
Người phát ngôn quân đội Pakistan, Trung tướng Ahmad Sharif phát biểu trên truyền hình nói rằng lực lượng không quân của nước này vẫn an toàn. Ông nói thêm rằng một số tên lửa của Ấn Độ cũng đã rơi xuống bang Punjab của Ấn Độ. Ấn Độ vẫn chưa bình luận về vấn đề này. "Đây là hành động khiêu khích ở mức độ cao nhất", Sharif nói.
Các mục tiêu tấn công của tên lửa Ấn Độ được cho là bao gồm căn cứ không quân Nur Khan ở thị trấn quân sự Rawalpindi, căn cứ không quân Murid ở thành phố Chakwal và căn cứ không quân Rafiqui ở quận Jhang, phía đông tỉnh Punjab. Hiện vẫn chưa có bình luận gì từ phía Ấn Độ.

Máy bay chiến đấu J-10C của không quân Pakistan, Ảnh: AFP.
Ông Sharif cũng chỉ ra rằng một số tên lửa của Ấn Độ đã rơi vào lãnh thổ Afghanistan.
Trận không chiến quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II
Theo CNN, hôm 7/5, cả hai bên đã triển khai tới 125 máy bay chiến đấu trong cuộc xung đột có mức độ nguy hiểm cao này và bắn tên lửa tầm xa vào nhau.
Salman Ali Bettani, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Jinnah Azam ở Islamabad, nói với CNN: "Cuộc đụng độ được mô tả là cuộc không chiến dữ dội nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đánh dấu một cột mốc trong việc sử dụng các hệ thống vũ khí tiên tiến do Trung Quốc sản xuất". Nếu đúng như vậy, trận chiến này sẽ có quy mô lớn hơn bất kỳ cuộc không chiến nào trong nhiều thập kỷ và là màn phô diễn sức mạnh quân sự của hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, cả hai đều hiện được trang bị máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới. Pakistan được cho là đã triển khai máy bay chiến đấu J-10C do Trung Quốc sản xuất và tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ, trong khi các phi công Ấn Độ đã bắn phá các mục tiêu nhiều lần.
Theo truyền thông Anh đưa tin, hôm 7/5 Ấn Độ và Pakistan đã huy động hơn 100 máy bay chiến đấu và giao tranh ác liệt trong một giờ. Trận không chiến này được mô tả là một trong những trận không chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II. Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí tiên tiến của Trung Quốc và phương Tây đối đầu trực tiếp.