Phương Tây thừa nhận việc Nga cấp phép cho vắcxin COVID-19 là đúng

Vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của Nga do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, tại Moscow ngày 6/8/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Reuters, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev ngày 31/8 cho biết, những bình luận của một quan chức cấp cao Mỹ cũng như những động thái của Anh hướng tới khả năng ưu tiên các loại vắcxin phòng COVID-19 cho thấy phương Tây giờ đây đã chấp nhận thực tế rằng Nga đã đúng khi sớm phê chuẩn một loại vắcxin ngay trong tháng 8.

Nga đã cấp phép cho một loại vắcxin phòng COVID-19 trong tháng 8, sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người, khiến cho một số chuyên gia phương Tây hoài nghi về sự an toàn và tính hiệu quả của vắcxin này.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẵn sàng bỏ qua tiến trình thông qua thông thường để cấp phép một loại vắcxin ngừa COVID-19 nếu các quan chức tin rằng lợi ích vượt trên rủi ro.

Chính phủ Anh hồi tuần trước cũng vạch ra kế hoạch cho phép các nhà quản lý y tế Anh tạm thời cấp phép cho bất kỳ loại vắcxin phòng COVID-19 nào trước khi nó có được giấy phép đầy đủ, nếu loại vắcxin thỏa mãn những tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.

Ông Dmitriev cho hay Washington và London hiện đang noi theo một cách chính xác hình mẫu của Nga. Ông tuyên bố: "Thế giới phương Tây quá sốc trước thành công của Nga (trong việc sản xuất một loại vắcxin tiềm năng) và phải trải qua 4 giai đoạn để chấp nhận một điều không thể tránh khỏi: phủ nhận, tức giận, tuyệt vọng và cuối cùng là chấp nhận. Những phát biểu gần đây cho thấy chúng ta đã trải qua giai đoạn tuyệt vọng và hiện đã chấp nhận rằng cách tiếp cận của Nga là đúng đắn”.

Nga đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vắcxin Sputnik V để kiểm tra tính hiệu quả đối với một nhóm tình nguyện viên lớn. Moscow cũng chuẩn bị cấp phép cho một loại vắcxin phòng COVID-19 thứ hai vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, công tác tiêm chủng vắcxin hàng loạt đối với nhóm người có nguy cơ cao sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 11, 12 tới.

Cùng ngày 31/8, Cơ quan Y tế công cộng của Thụy Điển thông báo nước này có thể triển khai chương trình vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào đầu năm tới, nhưng sẽ vẫn áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng của Thụy Điển Johan Carlson nhấn mạnh: "Có vắcxin có thể sẽ là một công cụ quan trọng để chống dịch bệnh, nhưng chỉ riêng vắcxin không thể chặn đứng được đại dịch”.

Ông Carlson cho biết chương trình vắcxin ngừa COVID-19 của Thụy Điển nhằm "bảo vệ những người đặc biệt cần bảo vệ,” theo đó người từ 70 tuổi trở lên, những người có bệnh nền và nhân viên y tế sẽ được ưu tiên. Ông cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi khỏe mạnh sẽ không cần tiêm vắcxin.

Cũng tại cuộc họp báo, điều phối viên vắcxin của Thụy Điển Richard Bergstrom cho biết chương trình vắcxin của nước này có thể bắt đầu trong quý I/2021 nhưng với số lượng hạn chế. Ông Bergstrom cảnh báo vẫn còn những yếu tố chưa rõ ràng, chẳng hạn hiệu quả của vắcxin đối với những nhóm bệnh nhân khác nhau như thế nào.

Theo ông Bergstrom, cần phải lưu ý lô vắcxin đầu tiên của Thụy Điển được sản xuất bằng những công nghệ mới chưa được thử nghiệm. Hiện vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của khoảng 10.000–30.0000 bệnh nhân.

Trong diễn biến khác, ngày 31/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là "cách làm dẫn tới thảm họa”.

Ông Tedros thừa nhận rằng nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO khẳng định: "Chúng tôi muốn thấy trẻ em được trở lại trường học và người dân trở lại với nơi làm việc, song chúng tôi muốn thực hiện điều này một cách an toàn. Không một quốc gia nào nên giả bộ như đại dịch đã kết thúc. Thực tế là virus (SARS-CoV-2) lây lan vô cùng dễ dàng. Mở cửa mà thiếu kiểm soát là một cách làm dẫn tới thảm họa”.

Ngoài ra, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vắcxin phòng bệnh COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.

Cũng tại cuộc họp báo trên, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng mặc dù mỗi quốc gia đều có quyền cấp phép cho lưu hành các loại thuốc mà không cần trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ, "song đó không phải là điều để bạn xem nhẹ”.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245087/phuong-tay-thua-nhan-viec-nga-cap-phep-cho-vacxin-covid-19-la-dung.html