Phương Tây xét lại cách tiếp cận khu vực Sahel sau binh biến ở Niger
Nhiều năm qua, Niger luôn được coi là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh của phương Tây tại khu vực Sahel - vùng đất khô cằn phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi vốn ẩn chứa nhiều hiểm họa về khủng bố với Al Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và điểm nóng về bạo lực.
Tuy vậy, cuộc binh biến gần đây tại quốc gia này có nguy cơ làm trầm trọng hơn tình hình bất ổn, gây suy yếu hệ thống an ninh trong khu vực, đồng thời khiến phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Pháp phải xét lại chính sách đối với Sahel. Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh triển vọng khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Bazoum chưa có tiến triển, phương Tây sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Tờ The Conversation ngày 17/8 dẫn lời giáo sư Olayinka Ajala, chuyên gia chính trị về châu Phi tại Đại học Leeds Beckett (Anh) đánh giá, Niger là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy ở khu vực những năm qua. Niger có các căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, Pháp, đồng thời, các khoản viện trợ từ phương Tây trong nhiều lĩnh vực dành cho Niger đã tăng đáng kể thời gian gần đây.
Cụ thể, năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp cho Niger khoản viện trợ trị giá 546 triệu USD. Năm 2022, Pháp viện trợ 131 triệu USD và đến tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ 150 triệu USD khi đến thăm Niamey. Đây là một trong những lý do khiến Niger từng có một môi trường an ninh tương tương đối đảm bảo so với các nước láng giềng xung quanh và rất ít khi phải chứng kiến các vụ bạo lực quy mô lớn. Theo Aljazeera, mặc dù thương vong do các cuộc tấn công khủng bố tăng lên trên phạm vi toàn thế giới sau năm 2021, thương vong về dân thường ở Niger đã giảm tới 80% vào năm 2022. Nhưng sự kết nối giữa phương Tây và Niger đã trở thành một câu chuyện khác sau cuộc đảo chính hồi tháng 7. Quân đội nước này lật đổ Tổng thống đương nhiệm Mohamed Bazoum - người đã giúp thúc đẩy các ưu tiên chính của phương Tây, để lên nắm quyền hôm 26/7.
Các chuyên gia nhận định, đối với Mỹ, nước này có khả năng xét lại và chuyển trọng tâm sang các quốc gia Tây Phi khác ổn định hơn về an ninh và phát triển hơn về kinh tế như Ghana và Senegal. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực và thành quả mà Mỹ đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố tại Sahel có thể sẽ "tan thành mây khói" nếu nổ ra xung đột và đảo chính liên tiếp trong khu vực hoặc chính quyền quân sự ở Niger ra lệnh cho các lực lượng phương Tây, bao gồm 1.100 lính Mỹ, rời nước này cũng như yêu cầu đóng cửa 3 căn cứ máy bay không người lái. Khoảng trống an ninh ở Niger có thể khuyến khích các lực lượng cực đoan tăng cường tuyên truyền, tuyển dụng các chiến binh địa phương và thậm chí cả nước ngoài để thực hiện âm mưu tấn công các nước phương Tây.
Các quan chức Mỹ đánh giá, việc không có sự hiện diện trong khu vực sẽ khiến giới quân sự Mỹ khó xác định và không thể nhanh chóng phá vỡ các mỗi đe dọa khi chúng manh nha hình thành. Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, cho biết: "Việc Mỹ rút khỏi Niger và đóng cửa các căn cứ máy bay không người lái của nước này sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực chống khủng bố của phương Tây ở Sahel". Bên cạnh đó, Mỹ cũng lo ngại những sự kiện gần đây sẽ mở cánh cửa để Nga gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua lực lượng quân sự tư nhân Wagner.
Đối với Pháp, sau đảo chính ở Mali, Paris đã rút các binh sĩ tại quốc gia này và chuyển một số lượng lớn sang Niger. Niger từng là thuộc địa cũ của Pháp trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1960. Pháp hiện đang triển khai khoảng 1.500 quân tại Niger theo thỏa thuận với chính phủ của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, để hỗ trợ nước này chống khủng bố. Ngoài ra, còn có khoảng 500 đến 600 công dân Pháp đang sinh sống, làm việc tại quốc gia Tây Phi. Những năm qua, Niger cung cấp nguồn nguyên liệu uranium lớn phục vụ các cơ sở hạt nhân trọng yếu khắp châu Âu, nhất là Pháp.
Nếu như Pháp được hưởng lợi từ sự hiện diện an ninh tại Niger, cũng như các chính sách nhập cư và tài nguyên thiên nhiên ở quốc gia này, thì Niger được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại với Pháp và từ gói viện trợ hỗ trợ phát triển lớn. Vì những lí do nêu trên, Pháp có thể không dễ từ bỏ chỗ đứng ở Niger nói riêng và Sahel nói chung, sau khi chính quyền quân sự Niger chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, cấm xuất khẩu uranium và vàng sang quốc gia này. Theo giới quan sát, cả Mỹ và Pháp vẫn có cơ hội duy trì ảnh hưởng tại Niger nếu chọn cách thức tiếp cận mềm mỏng với chính quyền quân sự. Nhưng điều này sẽ mang tới rủi ro cũng như khiến dư luận đặt ra câu hỏi về những giá trị mà phương Tây đã tạo dựng ở Sahel những năm qua.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Bộ trưởng phát triển và Hợp tác Kinh tế Đức Svenja Schulze đã đến khu vực Sahel của châu Phi, bắt đầu chuyến công du 4 ngày ở Mauritania và Nigeria. Tháng trước, bà Schulze bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch liên minh Sahel - tổ chức điều phối hợp tác quốc tế vì sự phát triển của Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Chad. Theo một nguồn thạo tin, người đứng đầu chính sách phát triển của Đức đã thảo luận về tình hình ở khu vực Sahel với các quan chức cấp cao của châu Phi, đặc biệt là tình hình đảo chính tại Niger.
Trước chuyến công du hôm 14/8, Bộ trưởng Schulze kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho những người trẻ tuổi và triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh nhằm duy trì gắn kết xã hội. Bà Schulze nhấn mạnh, công tác xóa đói giảm nghèo trong khu vực sẽ giúp kiến tạo một xã hội ổn định hơn và loại bỏ các điều kiện cho phép các nhóm khủng bố có thể phát triển. Bà khẳng định rằng Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cần đóng vai trò quyết định trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Niger.