Nhiều năm qua, Niger luôn được coi là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh của phương Tây tại khu vực Sahel - vùng đất khô cằn phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi vốn ẩn chứa nhiều hiểm họa về khủng bố với Al Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và điểm nóng về bạo lực.
Cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra ở Niger đã đẩy quốc gia này vào tình trạng bất ổn toàn diện. Nhưng hệ lụy chưa dừng lại ở đó. Cuộc đảo chính còn có nguy cơ thúc đẩy xu hướng đảo chính quay trở lại khu vực.
Trước cuộc binh biến cuối tháng 7/2023, đã có 4 lần đảo chính xảy ra ở Niger kể từ khi nước này giành độc lập.Theo chuyên gia, ở những lần đó, lãnh đạo phe đảo chính có cớ để biện minh cho động thái của họ dựa trên hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng với cuộc đảo chính mới.
Âm mưu đảo chính đã làm nổi bật những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ Niger và thể hiện thái độ của quân đội đối với nền dân chủ. Lực lượng đảo chính đang quy trách nhiệm cho tình trạng mất an ninh đang gia tăng và trì trệ kinh tế. Họ tuyên bố, để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của đất nước, sự can thiệp là cần thiết.
Khu vực Sahel trong những năm gần đây đã chứng kiến một số cuộc đảo chính, ít nhất 3 cuộc thành công, Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tại Niger rất có khả năng dẫn đến việc các thế lực khủng bố gia tăng trong khu vực.
Olayinka Ajala, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia về an ninh quốc tế, phân tích xung đột và quản trị ở châu Phi, đã phân tích về các yếu tố dẫn đến cuộc đảo chính nổ ra tại Niger.