Phương thuốc hữu hiệu

Thị trường lao động thế giới trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn khi 'bão Covid-19' đã 'cuốn' đi nhiều việc làm, làm chao đảo các doanh nghiệp. Các gói tài chính và biện pháp đã được nhiều quốc gia đưa ra như những phương thuốc 'cứu' doanh nghiệp và người lao động, nhằm phục hồi bền vững thị trường việc làm.

Thị trường lao động thế giới trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn khi “bão Covid-19” đã “cuốn” đi nhiều việc làm, làm chao đảo các doanh nghiệp. Các gói tài chính và biện pháp đã được nhiều quốc gia đưa ra như những phương thuốc “cứu” doanh nghiệp và người lao động, nhằm phục hồi bền vững thị trường việc làm.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, kinh doanh của xã hội, doanh nghiệp. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch đã khiến 81 triệu người lao động trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị mất việc làm, trong đó "hứng chịu" nhiều nhất là phụ nữ và thanh niên. Số việc làm ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 4,2% so với xu hướng trước khủng hoảng do Covid-19, với khoảng cách 4,6% đối với phụ nữ và 4% đối với nam giới. Do số giờ làm việc ít hơn, thu nhập trung bình của người lao động đã giảm 9,9% trong quý I-2020, tương đương mức giảm 3,4% GDP khu vực. Tỷ lệ mất việc làm lớn nhất là ở Nam Á, với gần 50 triệu người, tiếp đến là Ðông Á (16 triệu người), Ðông - Nam Á và các đảo Thái Bình Dương lần lượt là 14 triệu và 500.000 người. Tại châu Âu, nhiều quốc gia cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục. Tại Anh, trong ba tháng tính đến tháng 10-2020, số người lao động mất việc làm cũng tăng lên mức kỷ lục (370.000 người), tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,9%. Trong khi đó, khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê cũng chứng kiến "bước lùi" lớn, ít nhất một thập kỷ, tại thị trường lao động. Khu vực này rơi vào cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có trong lịch sử kể từ khi các báo cáo về thị trường lao động bắt đầu được xuất bản từ năm 1994. Sự gia tăng mạnh về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê, với mức tăng 2,5 điểm phần trăm so với 5 năm trước, từ 8,1% lên 10,6%, đồng nghĩa số người không thể tìm được việc làm tăng thêm 5,4 triệu người và tổng số người thất nghiệp là 30,1 triệu người, mức cao nhất trong những thập kỷ gần đây. ILO dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê năm 2021 cũng sẽ lên tới 11,2%, tăng 0,6% so năm 2020.

Việc làm là một trong những vấn đề "nóng nhất" trong thời gian xảy ra đại dịch và được quan tâm nhất, bởi cuộc khủng hoảng dự báo còn kéo dài. Nhiều nước phải tung ra các gói hỗ trợ việc làm, đồng thời áp dụng các chiến lược để tạo ra nhiều việc làm hơn và tốt hơn khi các hoạt động sản xuất được kích hoạt trở lại và tình trạng khẩn cấp y tế được kiểm soát. Ðạt được tăng trưởng kinh tế với giải quyết vấn đề việc làm được coi là giải pháp cốt yếu để giảm nghèo và đối mặt sự gia tăng bất bình đẳng, hậu quả của đại dịch. Anh đã quyết định gia hạn chương trình hỗ trợ lương cho lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong bối cảnh tương lai không được bảo đảm, kinh tế trì trệ và nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa đông. Chính phủ Ðức thông báo dành sự hỗ trợ "chưa từng có", với số tiền giải ngân lên tới 10 tỷ ơ-rô, cho các công ty và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp phong tỏa. Chính phủ Pháp cũng tuyên bố ban hành chính sách giảm thuế đối với các chủ cơ sở địa ốc giảm giá thuê mặt bằng cho các công ty phải tạm ngừng hoạt động do lệnh phong tỏa, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các công ty tổng cộng 15 tỷ ơ-rô. Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ xem xét kéo dài chương trình trợ cấp việc làm, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch, trong bối cảnh thị trường lao động của "đất nước Mặt trời mọc" tiếp tục diễn biến không ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp tăng liên tục trong bảy tháng. Trong gói ngân sách bổ sung lần 1 và lần 2 tài khóa 2020, Chính phủ Nhật Bản đã bảo đảm được 26,8 tỷ USD để thực hiện chương trình trợ cấp việc làm và đã giải ngân hơn 18 tỷ USD.

Mặc dù "liều thuốc giảm đau" đã được chính phủ các nước đưa ra nhằm "xoa dịu" những tổn thất do mất việc làm gây ra, song nhiều người lao động vẫn phải vật lộn với khó khăn chồng chất và đối mặt nguy cơ nghèo đói, khi khoảng 80 đến 90 triệu người có thể rơi vào ngưỡng cực nghèo trong năm 2020 do dịch. Mức độ bao phủ của an sinh xã hội thấp và năng lực hạn chế của các tổ chức ở nhiều nước đã khiến các công ty và người lao động khó có thể vươn lên trở lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất chính phủ các nước nên từng bước chuyển đổi từ bảo vệ các việc làm cũ sang tạo thêm nhiều chỗ làm mới, giảm các biện pháp như hỗ trợ lương mà thay vào đó là tăng đào tạo kỹ năng để thêm nhiều người có thể tìm được việc làm. Việc hoạch định chính sách cũng cần chú trọng thúc đẩy các dự án tạo việc làm như hạ tầng và năng lượng xanh. Ðó được coi là những "phương thuốc hữu hiệu" giúp phục hồi thị trường lao động một cách bền vững.

Hà Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuong-thuoc-huu-hieu-629114/