Pleiku chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc và Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài.
Quan tâm chính sách dân tộc
Nét nổi bật thời gian qua là TP. Pleiku đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI cũng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân tại các làng đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hiện còn 0,86% và hộ cận nghèo DTTS giảm còn 2,73%.
Thành phố Pleiku hiện có 37 làng đồng bào DTTS. Trong 3 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, thành phố có 4 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới gồm: làng Wâu (xã Chư Á), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Nhao 2 (xã Ia Kênh) và làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn).
Mặt khác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thường xuyên chỉ đạo MTTQ các xã, phường và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội rà soát, xây dựng, củng cố đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS; tổ chức gặp mặt định kỳ hàng năm. Đồng thời, hướng dẫn MTTQ các xã, phường tổ chức thăm hỏi, động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ người có uy tín phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng đồng bào DTTS.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Trần Xuân Quang cho biết: “Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ nét, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, niềm tin của đồng bào DTTS và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”.
Phát huy vai trò người có uy tín
Ông Y Khum-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-cho hay: “Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Làng Wâu (xã Chư Á) có hơn 99% dân số là người Bahnar. Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã triển khai, ông A Mữi đã tích cực vận động dân làng xóa bỏ các tập tục lạc hậu, vận động dân làng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống của bà con từng bước được nâng cao.
Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ông Rơ Châm Tút (làng Chúet 1, phường Thắng Lợi) thường xuyên cùng cán bộ địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động dân làng chấp hành các quy định của Luật Giao thông Đường bộ, cảnh giác với âm mưu và luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, chung tay giữ gìn an ninh trật tự. Ông cũng động viên bà con theo đạo Tin lành Việt Nam-miền Nam chấp hành việc sinh hoạt tôn giáo đúng các quy định pháp luật. Vừa qua, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) có gần 100% dân số là người Jrai. Là già làng, ông Hmrik luôn tích cực phát huy vai trò trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ông đã vận động người dân di dời hàng rào để mở rộng đường giao thông, tổ chức phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh đường làng và thu gom rác thải tại gia đình. Đến nay, làng Ia Nueng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, diện mạo ngày càng khởi sắc, nhiều năm liền được công nhận làng văn hóa.