PMI ngành sản xuất Việt Nam trở lại mốc 50 sau 4 tháng

Ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi, và các công ty thận trọng trong việc tuyển nhân viên và mua hàng khi niềm tin kinh doanh giảm. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại, và các nhà sản xuất đã giảm giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp.

Sáng 1/4, S&P Global công bố chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức 50,5. Không chỉ tăng số với 49,2 điểm của tháng 2, đây là lần đầu tiên chỉ số này đạt trên ngưỡng 50 trong thời gian 4 tháng.

PMI ngành sản xuất Việt Nam đã có ba tháng liên tiếp về dưới ngưỡng 50 - cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đang thu hẹp.

PMI ngành sản xuất Việt Nam đã có ba tháng liên tiếp về dưới ngưỡng 50 - cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đang thu hẹp.

Theo S&P Global, kết quả này báo hiệu sự cải thiện các điều kiện kinh doanh vào thời điểm cuối quý I, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã mạnh lên một chút.

Cụ thể, trong tháng 3, sản lượng ngành sản xuất đã tăng lần đầu trong 3 tháng. Mức độ tăng cũng được ghi nhận là lớn nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Theo những người trả lời khảo sát, sự gia tăng sản lượng một phần phản ánh sự cải thiện về mức độ sẵn có của hàng hóa, đồng thời phản ánh sự gia tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới sau chuỗi 2 tháng giảm.

Số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng, cho thấy dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên chỉ là tăng nhẹ trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đang tiếp tục suy yếu.

Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm đáng kể và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2023. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đến nay đã giảm năm tháng liên tiếp. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc Đại lục đã giảm.

Tâm lý kinh doanh vẫn lạc quan khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng, với những hy vọng tình hình nhu cầu sẽ ổn định. Tuy nhiên mức độ lạc quan vẫn ở dưới mức trung bình của lịch sử chỉ số.

Các nhà sản xuất cũng tỏ ra thận trọng trong tuyển dụng và hoạt động mua hàng trong tháng 3. Số lượng nhân công giảm tháng thứ sáu liên tiếp, và nguyên nhân được cho là do thời kỳ giảm nhu cầu gần đây và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, mức độ giảm số lượng nhân công là nhẹ nhất trong năm 2025 tính đến thời điểm này.

Trong khi đó, hoạt động mua hàng đã giảm lần đầu trong 4 tháng khi các công ty cho rằng có đủ hàng hóa lưu kho để hỗ trợ nhu cầu sản xuất. Kết quả là, tồn kho hàng mua đã giảm, mặc dù mức giảm là ít đáng kể nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi có một số báo cáo cho biết các công ty ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho.

Đối với những công ty mua hàng hóa đầu vào, họ tiếp tục gặp phải tình trạng kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp, và nguyên nhân được cho là do chậm trễ trong việc nhận hàng hóa từ nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ suy giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng kỳ này là ít đáng kể hơn nhiều so với kỳ tháng 2 và là mức suy giảm nhỏ nhất trong 7 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết các nhà cung cấp có sẵn hàng trong kho hơn và tốc độ vận chuyển cũng nhanh hơn.

Trong khi một số mặt hàng nhập khẩu tăng giá khiến giá đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 3, nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã khiến một số nhà cung cấp giảm giá bán. Về tổng thể, chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ, với tốc độ chậm nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài 20 tháng hiện nay.

Trong khi đó, nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh đã khiến các nhà sản xuất ở Việt Nam phải giảm nhẹ giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định ngành sản xuất của Việt Nam bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn vào tháng 3 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong năm 2025: "Hy vọng các công ty sẽ có thể tiếp tục thành công hơn trong những tháng tới dựa trên những cải thiện này. Tuy nhiên, hiện các nhà sản xuất vẫn còn khá thận trọng, từ đó ngần ngại tuyển dụng thêm nhân viên hay mua thêm hàng hóa đầu vào. Điều này có thể phản ánh một môi trường quốc tế bất ổn, với số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh trong tháng 3".

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/pmi-nganh-san-xuat-viet-nam-tro-lai-moc-50-sau-4-thang-1105833.html