PMI tháng 9: Mức độ lạc quan trong kinh doanh chạm đáy

Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam giảm trong tháng 9 giữa bối cảnh tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục chậm lại.

Theo công bố từ Nikkei – IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất – đã giảm về ngưỡng 50,5 điểm trong tháng 9, giảm từ mức 51,4 điểm của tháng 8 và đây là lần giảm thứ hai liên tiếp.

Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ, và mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý III với mức tăng là yếu nhất kể từ tháng 8/2016. Một số người trả lời khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã yếu đi. Đây cũng là tình trạng trên các thị trường quốc tế khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm hơn.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn dẫn đến sản lượng giảm nhẹ, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2017.

Yêu cầu về sản lượng thấp hơn không khuyến khích mua hàng hóa đầu vào, dẫn đến tốc độ tăng hoạt động mua hàng đã chậm lại gần thành mức đình trệ.

Giá cả đầu vào tăng nhẹ với tốc độ yếu hơn nhiều so với trung bình của lịch sử chỉ số. Việc thiếu áp lực từ chi phí đầu vào đã cho phép các nhà sản xuất giảm giá bán cho khách hàng để kích thích nhu cầu.

Thông tin từ Nikkei cho biết giá cả đầu ra giảm tháng thứ 10 liên tiếp và mặc dù giảm nhẹ, đây vẫn là mức giảm đáng kể nhất kể từ tháng 6.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài tháng thứ 2 liên tiếp. Các thành viên nhóm khảo sát đôi khi cho rằng việc chậm chễ giao hàng là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu ở công ty bán hàng.

Mức độ lạc quan kinh doanh đã giảm lần thứ hai liên tiếp trong tháng 9. Trong khi các công ty nói chung vẫn lạc quan về khả năng tăng sản lượng trong năm tới, mức độ tin tưởng là thấp nhất kể từ tháng 8/2018 và là mức yếu nhất kể từ khi dữ liệu về kỳ vọng tương lai được bổ sung vào khảo sát từ tháng 4/2012.

Theo những người trả lời khảo sát, những lo lắng về nhu cầu thị trường là nguyên nhân đứng sau việc giảm mức độ lạc quan.

Những dấu hiệu ban đầu của tình trạng giảm tốc được lưu ý bởi IHS Market vào tháng trước đã thể hiện rõ khi nhu cầu tiếp tục yếu đi.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá các nhà sản xuất phản ứng với số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm thông qua việc chấm dứt thời kỳ tăng sản lượng mới đây và thể hiện sự ngần ngại trong việc thuê mướn thêm nhân công cũng như mua hàng hóa đầu vào.

Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng được thể hiện trong dữ liệu về mức độ lạc quan thấp.

“Kết quả chỉ số PMI mới nhất cho thấy trong khi lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã là một trong những lĩnh vực có kết quả hoạt động tốt nhất thế giới những tháng gần đây, tình trạng giảm tốc trong thương mại toàn cầu cùng căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên các công ty khi bước vào quý cuối năm 2019”, ông Andrew Harker nhận định.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/pmi-thang-9-muc-do-lac-quan-trong-kinh-doanh-cham-day-1569892345207.htm