Pò Hèn vang khúc tráng ca
Sim tím ngát triền đồi, thung lũng, hoang hoải trong tiết trời mưa dầm đầu mùa tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, vương vấn đến nao lòng. Đường lên Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) mùa này đẹp như bức tranh thủy mặc. Chiến địa tang thương năm xưa giờ đã hồi sinh. Cảnh sắc núi non hùng vỹ, cuộc sống trù phú, thanh bình đã và đang xoa dịu những mất mát, đau thương nhưng ký ức bi tráng, hào hùng cùng những tấm gương quả cảm, quật cường của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209 và công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã hy sinh anh dũng để bảo vệ biên cương Tổ quốc hơn bốn thập niên trước mãi chói sáng trang sử vàng dân tộc và in sâu trong ký ức người dân vùng biên viễn…
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Pò Hèn. Ảnh: Tú Anh
Huyền thoại biên cương
Những cơn mưa liên tiếp kéo dài trong sắc thái thời tiết hiếm gặp đầu tháng Sáu khiến con đường vành đai biên giới nối từ thành phố Móng Cái lên Đồn Biên phòng Pò Hèn như dài hơn với những đoạn đang thi công nâng cấp, gập ghềnh, lầy thụt. Nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi có thêm thời gian trải nghiệm cảnh sắc vùng biên viễn. Dọc theo dòng Ka Long uốn lượn là màu xanh trù phú, điệp trùng của rừng thông, cây nguyên liệu cùng bạt ngàn sắc tím hoa sim. Dân trung du miền núi, mấy ai lạ giống cây mọc hoang trên các sườn đồi. Nhưng sim vùng biên dường như có khí chất khác hẳn, mạnh mẽ, rắn rỏi hơn, quần tụ thành rừng, phủ kín cả thung lũng, cao vượt đầu người. Đang trong mùa hoa, dọc theo mấy chục cây số, sắc tím khi điểm xuyết, khép nép, lúc bạt ngàn như tấm lụa khổng lồ bao trùm không gian rộng lớn. Ngắm rừng sim, trong đầu chợt như văng vẳng giai điệu mang tâm sự da diết nhớ thương của người lính trẻ nơi biên cương trong những ngày tháng khốc liệt chống quân xâm lược Trung Quốc trong ca khúc “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang. “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong/ Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ/ Chờ em nên tím ngát bồi hồi...”. Hơn bốn thập niên trước, rẻo đất biên cương tím ngát sắc sim này đã chứng kiến trận chiến khốc liệt, hy sinh anh dũng của những cán bộ, chiến sĩ trung kiên, bất khuất, quyết tử bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc…
Theo Biên niên lịch sử Đồn Biên phòng Pò Hèn, rạng sáng 17/2/1979, phía Trung Quốc dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh. Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, hơn 2.000 lính đối phương tràn sang. Đối đầu với đội quân xâm lược hung bạo, lực lượng của Đồn lúc này chỉ có hơn 60 người vẫn kiên cường chiến đấu, tổ chức các đợt phản công tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên khác. Tương quan quá chênh lệch, đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng nhưng tinh thần quật cường, quả cảm của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành bất tử, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Thượng sĩ cơ yếu Đoàn Tiến Phúc, trước lúc hy sinh còn kịp chôn túi tài liệu cơ mật; Đồn phó Đỗ Sĩ Họa khẳng khái đáp lại địch rằng “Quân ta không biết đầu hàng”; Chính trị viên Phạm Ngọc Tảo dù bị thương nặng vẫn bám trụ động viên các chiến sĩ chiến đấu; nữ tự vệ ngành Thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm, nguyên chiến sĩ của Trung đoàn 8, Quân khu 3, cùng với người yêu là thượng sĩ Bùi Anh Lượng đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng…
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn.
Trên nền Đồn Biên phòng 209 năm xưa giờ sừng sững Đài tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn cao 16 mét, ốp đá trắng, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau, với ngôi sao vàng năm cánh giữa và bia lưu danh 86 cán bộ, chiến sĩ đã cùng nhau chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Trang nghiêm soi bóng xuống dòng Ka Long, nhìn thẳng sang bên kia biên giới, đây không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng cho người dân đất Việt mà còn như lời nhắc nhở, răn đe nghiêm khắc với các thế lực ngoại bang bạo ngược: Dân tộc Việt vốn chuộng hòa bình nhưng chưa bao giờ biết khuất phục trước bạo lực. Chúng ta khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây đắp tình hòa hảo, hữu nghị để cùng phát triển thịnh vượng chứ không bao giờ lãng quên quá khứ, sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước. Với người Việt, khi Tổ quốc bị lâm nguy thì bất cứ ai cũng trở thành chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
Chiến địa vui ngày mới
Chưa từng gặp mặt nhưng đồng chí Đặng Phúc Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn hồ hởi đón tiếp đoàn đến dâng hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Đồn Biên phòng Pò Hèn như người thân đi xa mới về: “Tiếc quá, giá nhà mình lên sớm hơn, đúng thời điểm hoa sim nở rộ thì đã được trải nghiệm trọn vẹn cảnh đẹp độc đáo vùng biên. Cách đây gần một tháng, ngày 14,15/5, thành phố Móng Cái đã tổ chức Lễ hội Hoa sim Biên giới 2022 ở xã Hải Sơn. Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng rất đông du khách về dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, tham quan trải nghiệm các rừng sim, thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hải Sơn: Xôi ngũ sắc, lợn bản, ngan đen, măng rừng, gà đồi nướng củi, cá suối...”.
Theo lời anh, Hải Sơn thuộc xã vùng sâu, vùng xa nhất của thành phố Móng Cái. Toàn xã hiện có 356 hộ với trên 1.500 nhân khẩu thuộc ba dân tộc anh em cùng sinh sống là Sán Chỉ, Dao và Kinh. Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, cũng như nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo của bà con mà Hải Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trước một năm so với kế hoạch. Thu nhập bình quân hàng năm đã vượt mức 36 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện chỉ còn hai hộ nghèo thuộc diện bảo trợ… Nơi địa đầu Tổ quốc, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xã Hải Sơn luôn đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Thiếu tá Phùn Văn Dũng- Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn chia sẻ: “Tự hào được sống, công tác nơi địa chỉ đỏ cách mạng, phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng của các thế hệ đi trước, nhiều năm nay, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn chăm lo củng cố xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Quản lý, bảo vệ hơn 12 cây số đường biên giáp với Trung Quốc, chúng tôi luôn nỗ lực đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn, củng cố mối quan hệ hữu hảo giữa cư dân hai bên biên giới. Tình quân dân giữa bộ đội biên phòng và đồng bào nơi đây luôn gắn bó bền chặt. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Pò Hèn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, giúp đỡ đồng bào. Hiện, Đồn đang duy trì hỗ trợ hai cháu có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình Nâng bước em đến trường và Con nuôi đồn biên phòng…”.
Binh nhất Liêu Văn Nhâm- Chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn luôn thể hiện tình cảm gắn bó với đồng bào địa phương, du khách tham quan. Ảnh: Quý Đông
Nhập ngũ, đóng quân chưa đầy một năm ở Đồn Biên phòng Pò Hèn nhưng Binh nhất Liêu Văn Nhâm đã có nhiều kỷ niệm, thực sự thấy gắn bó coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Hết giờ trực, nựng nịu cháu nhỏ của du khách đến viếng các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Đồn Biên phòng Pò Hèn, Nhâm thủ thỉ: “Qua mấy tháng được sống, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, trên mảnh đất giàu truyền thống này, em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Gương chiến đấu quên mình vì Tổ quốc của cha anh cùng những vinh dự, trách nhiệm của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam là động lực, nền tảng cho em phấn đấu, rèn luyện để trở thành công dân hữu ích...”.Cuộc sống mới trù phú, thanh bình đã và đang hiện hữu trên rẻo cao in đậm ký ức lịch sử hào hùng, bi tráng. Và như thế, tâm nguyện của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này đã được hoàn thành. Khúc tráng ca Pò Hèn đã và sẽ vang vọng mãi trên non sông đất Việt…
Cẩm Ninh
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-phong-an-ninh/po-hen-vang-khuc-trang-ca/184947.htm