Podcast: Đây là 3 thói quen đang âm thầm làm cạn kiệt năng lượng của bạn
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực hoặc khó tập trung ngay cả khi không làm gì quá sức, rất có thể 3 thói quen dưới đây đang âm thầm làm cạn kiệt năng lượng của bạn.
Podcast
Podcast: Đây là 3 thói quen đang âm thầm làm cạn kiệt năng lượng của bạn. Video: TIỂU MINH
1. Liên tục chuyển đổi giữa các ứng dụng và nhiệm vụ
Trong môi trường kỹ thuật số hiện nay, việc sử dụng nhiều thiết bị và ứng dụng cùng lúc đã trở thành thói quen phổ biến. Bạn có thể vừa kiểm tra email, vừa xem video, trả lời tin nhắn và lướt mạng xã hội mà không thực sự hoàn thành bất kỳ việc gì một cách trọn vẹn.
Nhiều người cho rằng làm nhiều việc cùng lúc sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhưng các nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại.
Một báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Developmental Review chỉ ra rằng những người thường xuyên đa nhiệm với thiết bị số có xu hướng làm việc kém hiệu quả hơn, khả năng duy trì sự tập trung và xử lý thông tin cũng giảm rõ rệt.
Lý do nằm ở việc não bộ phải liên tục chuyển đổi trạng thái khi chuyển từ việc này sang việc khác, gây tiêu tốn năng lượng và giảm chất lượng xử lý. Càng đa nhiệm, bạn càng dễ rơi vào trạng thái mất tập trung, dẫn đến cảm giác mệt mỏi kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
Thay vào đó, hãy thử dành thời gian tập trung vào một việc duy nhất tại một thời điểm. Đóng bớt các tab không cần thiết, tắt thông báo và đặt lịch cụ thể cho các hoạt động online có thể giúp bạn tiết kiệm năng lượng và cải thiện hiệu suất công việc.

Làm việc đa nhiệm cũng góp phần làm cạn kiệt năng lượng của bạn.
2. Mất năng lượng vì những quyết định nhỏ nhặt
Bạn đã từng mất hàng chục phút chỉ để chọn món ăn giao về nhà? Hoặc bối rối khi đứng trước tủ quần áo mỗi sáng? Những quyết định nhỏ nhặt như vậy tưởng chừng không đáng kể, nhưng lại âm thầm làm cạn kiệt năng lượng tinhy thần của bạn.
Hiện tượng này được gọi là “mệt mỏi khi phải quyết định” (decision fatigue). Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Tâm lý sức khỏe, mỗi quyết định, dù lớn hay nhỏ, đều sử dụng một phần năng lượng nhận thức và khả năng tự kiểm soát. Càng nhiều lựa chọn lặp đi lặp lại mỗi ngày, bạn càng khó duy trì sự tỉnh táo và sáng suốt cho các quyết định quan trọng hơn.
Một số chuyên gia gợi ý bạn có thể giảm tình trạng này bằng cách tự động hóa hoặc gom nhóm các quyết định nhỏ. Chẳng hạn, chọn sẵn thực đơn cho tuần, lên kế hoạch mặc đồ từ cuối tuần, hoặc tạo sẵn danh sách phát nhạc để không phải lặp lại quá trình lựa chọn mỗi ngày.
3. Thực hiện các thói quen chăm sóc sức khỏe như một nghĩa vụ
Nhiều người tập yoga, viết nhật ký, ăn theo chế độ hay thực hành thiền không phải vì nhu cầu cá nhân mà vì áp lực xã hội, sự so sánh hoặc kỳ vọng từ mạng xã hội. Khi đó, thay vì mang lại sự thư giãn, các hoạt động chăm sóc bản thân lại trở thành gánh nặng tâm lý.
Áp lực này càng gia tăng khi các nền tảng trực tuyến liên tục quảng bá hình ảnh lý tưởng hóa việc chăm sóc sức khỏe, từ chu trình dưỡng da hoàn hảo đến lịch trình tập luyện đều đặn. Nhưng không phải mọi phương pháp đều phù hợp với tất cả mọi người, và không phải lúc nào bạn cũng phải làm gì đó để chứng minh mình đang chăm sóc bản thân.
Nếu một buổi thiền làm bạn cảm thấy khó chịu, bạn hoàn toàn có thể tạm dừng. Nếu hôm đó quá mệt để nấu ăn lành mạnh, gọi món bạn thích cũng không sao. Việc tự chăm sóc chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự phục vụ cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn, không phải để phô diễn hay chạy theo kỳ vọng.
Năng lượng của bạn là tài nguyên có giới hạn. Bằng cách nhận diện những thói quen đang ngầm tiêu hao năng lượng và điều chỉnh chúng một cách có ý thức, bạn sẽ dần phục hồi được sự tập trung, cải thiện năng suất và cảm thấy trọn vẹn hơn trong công việc lẫn cuộc sống.