Politico: Mỹ, phương Tây tăng cường hoạt động tình báo theo dõi mối đe dọa hạt nhân từ Nga
Các chính trị gia và truyền thông của Mỹ lẫn các nước phương Tây cho rằng chính quyền Moscow đang 'che đậy mối đe dọa' và có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine.
Tờ Politico ngày 28-9 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington và các đồng minh đã tăng cường thu thập thông tin tình báo và hoạt động giám sát trước những lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Sự gia tăng các hoạt động tình báo diễn ra sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin một tuần trước đó, trong đó ông chỉ trích việc "một số quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)" cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga là một việc làm chính đáng.
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không để yên nếu các nước phương Tây sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời lưu ý thêm rằng Moscow cũng có kho vũ khí hủy diệt của riêng mình, một số vũ khí trong số đó có hiệu quả vượt trội so với vũ khí của phương Tây.
“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả phương tiện mà chúng tôi có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi” - ông Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Putin đã được các chính trị gia và truyền thông Mỹ lẫn các nước Liên minh châu Âu (EU) xem là một "mối đe dọa được che đậy", rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine.
Theo quan chức trên, các nước phương Tây lo lắng rằng Moscow có thể quyết định "tiến hành những điều không tưởng" và "sẽ quá muộn" để họ có thể ngăn chặn việc đó.
“Chúng tôi (tình báo Mỹ và phương Tây) đang theo dõi các hoạt động của Nga chặt chẽ hơn” - quan chức Mỹ - người có “quyền truy cập thông tin tình báo về các lực lượng và chiến lược hạt nhân của Moscow” - nói với Politico.
Quan chức này cho biết phương Tây cũng đã tăng cường hoạt động của các vệ tinh chụp ảnh Trái đất để theo dõi các đơn vị của Nga ở Ukraine có khả năng nhận được vũ khí hạt nhân từ Moscow.
Lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga (nằm giữa Ba Lan và Lithuania trên bờ biển Baltic) cũng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các cơ quan tình báo phương Tây, do Moscow triển khai nhiều hệ thống vũ khí và tên lửa siêu thanh ở khu vực này.
Quan chức Mỹ thừa nhận rằng sẽ khó để phương Tây có thể dự đoán trước được một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga vì Moscow có khoảng hai chục hệ thống vũ khí có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường.
Theo quan chức trên, một số nguồn tin tình báo nhận định Nga hiện sẽ “không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược” vì lo ngại kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện với NATO.
“Những gì họ sẽ làm là sử dụng vũ khí tầm ngắn. Chúng có những đầu đạn mà chúng tôi gọi là hạt nhân siêu nhỏ” - quan chức Mỹ nói thêm.
Trước đó một tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow “không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân”, đề cập học thuyết quân sự của quốc gia này.
Theo học thuyết quân sự của Nga, nước này chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu vũ khí đó, hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, được các lực lượng bên ngoài sử dụng nhằm vào Nga, hoặc nếu quốc gia này đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ vũ khí thông thường.