Praha trong tôi

Đứng trên đồi Strahov nhìn xuống mới thấy hết sự kỳ vĩ của Praha. Bốn phía thủ đô au au ngói đỏ, xen kẽ là hàng trăm ngọn tháp đôi, tháp đơn tua tủa như nấm, như măng.

Cầu Charles.

Cầu Charles.

Mây nước sông Vltava như dải lụa mềm mại soi bóng cây, bóng nhà cổ kính khi xa, lúc gần, khi cao, kéo dài suốt đôi bờ qua lòng thành phố.

Chiều buông, Mặt trời lẩn khuất sau dãy đồi Strahov, Vltava ngời trắng ánh bạc và thành phố trùm lên màn the huyền ảo thì Praha khác nào chốn bồng tiên như thực như mơ...

1. Cao Trần Hiếu, người Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) đã 30 năm sinh cơ lập nghiệp tại đây, khá am tường Praha. Tôi và Hiếu có cả chục lần thăm thú thưởng ngoạn cảnh sắc thủ đô xứ sở Trung Âu này. Mỗi lần đến là một lần thêm hiểu, thêm yêu.

Lần đầu, Hiếu dẫn tôi lên điểm cao nhìn bao quát toàn cảnh thủ đô với Cung điện Lobkowicz. Lần sau, biết thêm về phố cổ, cầu Tình với Quảng trường Old Town... Nghe, xem rồi đọc lại lịch sử kiến trúc mới hay Hiếu là người rất có trách nhiệm khi thông tin. Chắc chắn. Kiệm lời. Thông thạo. Khiêm nhường và đặc biệt là không hề ngoa ngôn.

Phong cảnh Praha.

Phong cảnh Praha.

Về lai lịch thành phố, Hiếu kể theo sách: Hơn nghìn năm trước Praha được sinh ra từ giấc mơ của nàng công chúa Libuse... Pháo đài Vysehrad và Hradcany được xây cất trước tiên... Năm 1257, vua Premysl Otakar II cho xây thêm khu Mala Strana.

Từ đây, Praha trở thành thủ phủ hoành tráng nhất dưới triều hoàng đế Charles IV với nhiều kiến trúc siêu hạng như: Cầu Charles, nhà thờ Saint-Guy, khu Nove Mesto. Praha được xem là nơi hội tụ các phong cách nghệ thuật và kiến trúc đặc sắc nhất của châu Âu... Các công trình kiến trúc đều bằng đá hoa cương, chạm khắc rất công phu, nghệ thuật tinh xảo...

Sau cuộc cách mạng Nhung 1989, Praha được hoàn thiện thêm bởi nhiều nguồn đầu tư nước ngoài và những dự án trùng tu, trong đó có dự án dành cho hàng triệu khách du lịch mà thành phố nghênh đón mỗi năm. Nove Mesto - khu phố mới, trung tâm của Praha hiện đại có những đại lộ thênh thang và Quảng trường Venceslas!...

Hiếu chốt lại như cốt để tôi đừng quên: Từ năm 1920, Praha là thành phố lớn nhất Cộng hòa Séc và cũng là một trong sáu thành phố ở châu Âu, sau London, Paris, Rome, Madrid, Berlin được khách du lịch tới thăm nhiều nhất. Năm 1992, trung tâm Praha được UNESCO công nhận là Di sản thế giới!

Lâu đài Praha.

Lâu đài Praha.

2. Ba tháng, tròn 90 ngày gắn bó với Cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống và lập nghiệp tại Cộng hòa Séc, tôi biết thêm trên đất nước này có tới 65.000 người Việt sinh sống, riêng thủ đô Praha thì đã tới con số cả vạn. Bởi thế đến đâu trên đất nước này cũng rất dễ dàng nhận ra người Việt của chúng ta...

Đi trên cầu Charles, cầu chỉ dành riêng cho người đi bộ bắc qua sông Vltava, nối giữa phố cổ Stare Mestro và khu Mala Strana, bất ngờ tôi gặp một họa sĩ người Việt đang dán mắt lên giá vẽ, ký họa chân dung cô gái người Hungary.

Hóa ra, anh là Hoàng Anh, dân xứ Huế chính gốc, sang đây từ năm 1987. Đã ở tuổi 60 mà vẫn chưa nhạt nét thư sinh trên khuôn mặt và cả thân hình. Nhân đà câu chuyện, anh bảo: Anh đam mê nghề họa từ nhỏ mà Tiệp Khắc vốn là đất nước của cầm kỳ thi họa.

Anh lập nghiệp ở đây cũng vì nghề! Hỏi chuyện thu nhập, Hoàng Anh đáp gọn lỏn: Tự do hành nghề! Tài nhiều thì giàu to. Tài mọn thì sống mọn. Ví như lên cầu này, phải nộp lệ phí 300 kurun mỗi ngày, vị chi là hết một ký họa chân dung. Để sống và nuôi vợ con thì mỗi ngày phải vẽ vài ba bức ký họa. Nghề này hệt như người đi câu ấy mà!...

Anh cười, nụ cười ròn tươi, rất mãn nguyện, rất thân thương là Huế. Tò mò, tôi lại hỏi: Sao người ta lại gọi cây cầu này là “cầu Tình”? Hoàng Anh ngồi thu lại, hai tay bó gối, giọng Huế nguyên vẹn: Đâu mô! Ấy là cách gọi của người Việt Nam mình. Thăm Praha rồi anh sẽ biết. Ví như chợ trung tâm có tượng con bò ngay lối cổng, người Việt mình liền gọi là chợ Con Bò, Quảng trường Old Town có chiếc đồng hồ Con Gà thì thuận miệng gọi luôn là Quảng trường Con Gà. Gọi mãi thành quen!

Một nét đêm hội trăng rằm ở Rumburk và Sluknov.

Một nét đêm hội trăng rằm ở Rumburk và Sluknov.

Vui gặp gỡ, Hoàng Anh cặn kẽ giới thiệu: Cây cầu bằng đá này dài 516 m, rộng 10 m, 16 nhịp, mang tên vị Hoàng đế Charles IV (1316 - 1378) của Séc do kiến trúc sư Peter Parler (1330 - 1399) xây dựng hồi thế kỷ 14, bắc qua sông Vltava, nối phố cổ Stare Mestro và khu Mala Strana. Hai bên thành cầu Charles là quần thể tượng thánh với 30 pho khác nhau bằng đá kiến trúc kiểu Ma-rốc.

Nơi đây là điểm vui chơi biểu diễn của các tốp nhạc công, là sân chơi phô diễn tài năng ký họa của các họa sĩ ở Praha và là nơi bán đồ lưu niệm cho khách tham quan!...

Đứng trên cầu, chúng tôi mãn nhãn chiêm ngưỡng cảnh quan Praha. Sông Vltava êm đềm, thiên nga trắng phau sóng đôi từng cặp từng cặp, hải âu chao liệng, thuyền tàu ngược xuôi như trôi giữa bóng núi mây trời...

Theo tục truyền, chúng tôi xếp hàng đợi lượt để tận tay sờ vào hai bức tranh bằng đồng, một bức là cảnh hoàng hậu xưng tội, bức kia là cảnh vị linh mục bị hành hình.

Đồn rằng, ai đặt tay vào một trong hai bức tranh và thành tâm ước điều gì đấy thì sẽ được như ý. Tôi đặt cả bàn tay vào hai bức tranh bằng đồng vàng óng, miệng khẩn cầu: Xin các đấng thánh thần phù hộ cho nhân loại mãi mãi được sống trong hòa bình, hạnh phúc! Những kẻ bành trướng sẽ bị trừng trị!

Quảng trường Old Town (tức Quảng trường Con Gà). Khu quảng trường chính của phố cổ Praha được bao quanh bởi nhà thờ Đức Bà Tyn màu xám đen với hai ngọn tháp vút cao, cùng tháp đồng hồ sừng sững bao gồm đồng hồ Thiên văn Astronomical và lịch nguyên năm Calendarium thiết kế từ thế kỷ thứ 15.

Mỗi khi chuông Skeleton ngân vang báo giờ, 12 bức tượng Thánh tông đồ lại lần lượt mở cửa sổ đồng hồ chào du khách. Có thật không lời truyền: Ai nghe được tiếng chuông Skeleton ngân vang báo hiệu mỗi giờ thì sẽ gặt hái nhiều may mắn? Tôi bèn nán lại để nghe và thật may mắn, được tận mắt chứng kiến sự hiếu kỳ và tâm niệm của những con người đến từ bốn phương trời, mười phương đất. Nêm chen.

Đứng đây. Đợi đây. Nghe cho tỏ tường nhịp chuông đồng hồ điểm, rồi mới thung thăng tản bộ vào những ngả đường phố cổ chật hẹp mà cao sang luôn vang lên những tiếng lọc cọc của vó ngựa xe trên nền đường gạch xanh, gạch xám...

Khu phố cổ Praha.

Khu phố cổ Praha.

3. Thật có lý, khi nói rằng: Praha đẹp hiền hòa, cổ kính. Praha hiếu khách... Có người lại bảo: Praha đằm thắm bởi sự hài hòa của các loại hình nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, khiêu vũ, phim ảnh và kịch trường!...

Dẫu là vậy thì Praha cổ kính và hiếu khách vẫn mãi là nét bao trùm ẩn sâu, bền lâu trong nỗi nhớ của tôi... Giống như Hà Nội, tôi thầm nghĩ Praha cũng chính là thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Hình sông, thế núi, khí thiêng trời đất đã tạo nên thế trụ “Thiên sơn vạn thủy triều lai” của Praha.

Lịch sử tô điểm, thời gian bồi đắp, chiều sâu văn hóa, chiều cao trí lực của dân tộc chuộng tự do, bình đẳng, bác ái mãi là điểm nhấn, điểm hấp dẫn nhân loại tìm về... Dù vật đổi, sao rời, dù thế sự đổi thay thì tình người Praha (nước Tiệp Khắc xưa) và Cộng hòa Séc ngày nay vẫn duy trì được sự gắn kết mặn nồng.

Tôi yêu nước Tiệp Khắc xưa với phóng viên Báo Cờ Đỏ ra sao thì nay vẫn vẹn nguyên một tình yêu như thế. Sáu mươi năm trước tôi từng trân trọng Chủ tịch nước CHXHCN Tiệp Khắc, ông Antony, và sau đấy (1953 - 1957) là Chủ tịch Dapotốtxki, vun vỗ không ngừng cho tình hữu nghị Việt - Tiệp.

Tư liệu lịch sử còn mãi những dòng này đây: “Cột mốc cơ bản trong việc người Việt Nam nhập cư sang Tiệp Khắc là năm 1973, khi ấy đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Tiệp Khắc để hội đàm về việc sẽ có mười đến mười hai nghìn công dân Việt Nam sang học nghề.

Các hiệp định được ký kết trong khoảng thời gian 1973, 1974, 1979 và 1980 đã tạo điều kiện cho khối lượng lớn công nhân, học sinh học nghề, sinh viên và thực tập sinh sang học. Vào nửa đầu những năm 80, số lượng công dân Việt Nam tại Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc là khoảng 30.000.

Nửa sau của những năm 80, số lượng này giảm dần và đến năm 1990, hiệp ước giữa hai nước đã kết thúc. Dù có những thay đổi về chính trị tại Đông Âu vào cuối và đầu những năm 80 và 90, quan hệ Séc - Việt không hề bị gián đoạn và sự thay đổi về điều kiện kinh tế tại Tiệp Khắc đã tạo điều kiện cho người Việt Nam kinh doanh.

Do đó, tại Tiệp Khắc đã có nhiều người Việt Nam từ Cộng hòa Dân chủ Đức, và từ các nước khác thuộc khối XHCN trước đây tìm sang định cư. Năm 2000, trên lãnh thổ Cộng hòa Séc có khoảng 20.000 công dân Việt Nam chuyên về kinh doanh.

Số người Việt Nam hiện nay tại Cộng hòa Séc được ước đoán là khoảng 65.000 và người Việt Nam tại Cộng hòa Séc là nhóm người nước ngoài đông thứ ba có cư trú dài hạn hoặc định cư.

Tại Cộng hòa Séc hiện nay có một số tổ chức của người Việt (Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Hội các doanh nhân Việt Nam và Hiệp hội Công dân Cộng hòa Séc nói tiếng Việt) và cho xuất bản một số báo định kỳ bằng tiếng Việt (Vạn Xuân, Tuần tin mới và Vườn đào)...

Yêu quý Praha bao nhiêu thì tôi lại càng quý trọng những lời gan ruột của ngài Tổng thống Václav Klaus bấy nhiêu: Dù Việt Nam và Cộng hòa Séc cách xa nhau hàng vạn cây số, tôi vẫn dám khẳng định rằng quan hệ giữa hai đất nước chúng ta là quan hệ đặc biệt ở nhiều góc cạnh...

Cộng hòa Séc đã trở thành quê hương của hàng vạn công dân Việt Nam, những con người bằng sự cần cù chịu thương chịu khó đang góp phần vào việc phát triển đất nước chúng tôi và họ là sợi dây gắn kết mãi mãi, là nguồn xúc tác trong quan hệ hợp tác nhiều mặt.

Nhờ có họ mà Việt Nam, một đất nước khác biệt về văn hóa, vị trí địa lý và cảnh quan, lại trở nên gần gũi đối với chúng tôi.

Nguồn mạch tình cảm thế ấy lại đã và đang được Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman phát lộ theo chiều sâu sự hội nhập giữa hai quốc gia, bằng việc người Việt tại Công hòa Séc đã chính thức được thừa nhận là dân tộc thứ 14 (dân tộc ít người của Cộng hòa Séc).

4. Nhớ mãi hôm chúng tôi tới thăm cơ ngơi làm đẹp móng tay, móng chân của gia đình anh chị Phong - Long quê gốc Việt Trì, Phú Thọ. Hiện định cư tại mặt phố chính của Quảng trường Vaclavské Names (người Việt thường gọi là Quảng trường Con Ngựa) tại trung tâm thủ đô Praha.

Cửa hiệu sang trọng, khách tây, khách ta lúc nào cũng kín chỗ. Bốn năm nhân viên kỹ thuật luôn tay với việc, luôn vui vẻ chuyện trò cùng khách.

Cháu Tuấn Anh, tuổi 11, học lớp 5 khôn ngoan trước tuổi rất niềm nở khi biết chúng tôi là người Việt Nam mới tới. Tuấn Anh lon ton dẫn chúng tôi xem hoa hồng bạch mùa thu nở trắng khuôn bồn dọc lối lên, xuống giữa Quảng trường Con Ngựa.

Sau bức ảnh lưu niệm với mùa hoa đẹp, cháu hồn nhiên hỏi chúng tôi: Ông có yêu thành phố này không? Kéo cháu vào lòng, tôi bảo: Praha đẹp lắm. Không yêu sao được, cháu ơi?

Cháu nở nụ cười thơ ngây: Thủ đô của cháu đấy! Chúng cháu phải giữ cho Praha mãi sạch đẹp! Thế Thủ đô Hà Nội có phải của cháu không? Tôi hỏi, cháu nói giọng chắc đinh: Ông ơi, Việt Nam là của cháu, Thủ đô Hà Nội cũng là của cháu.

Cháu có hai nước, hai thủ đô đẹp như nhau! Nói rồi cháu xin bố mẹ đưa tôi vào thăm vườn hoa hồng đỏ, nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tinh thần của người lao động sau mỗi buổi làm việc căng thẳng...

Lời của cháu Tuấn Anh đã khắc sâu vào ký ức tôi. Thế hệ người Việt sinh ra ở xứ trời xa xôi này đã và đang hội nhập khá nhanh chóng và bền lâu ngay trên đất này, nhưng vẫn thủy chung với quê cha đất mẹ...

Và, không ai khác chính họ là cầu nối, là sợi dây liên kết để bản sắc văn hóa Việt - Séc đời nối đời nhân lên, tỏa phát. Như Thủ đô Hà Nội - như Praha, như Hoàng Thành (Hà Nội), như Thành Cổ (Praha) mãi mãi là chuyện kể của những mốc thời gian, của những triều đại, những thời đại biết thượng tôn lịch sử, văn hóa và mỹ thuật!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/praha-trong-toi-zniauQFGg.html