PrEP và 2 phương thức điều trị phòng ngừa phơi nhiễm HIV
Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được chứng minh rõ ràng với con số thống kê thực tế rằng những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ đúng sử dụng thuốc ARV hàng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao được khuyến cáo điều trị PrEP
Theo TS. Đoàn Thị Thùy Linh – Phó trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV và Việt Nam đã áp dụng mọi mô hình mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Tất cả các mô hình này cũng đều nhằm mục đích tạo sự thuận lợi và sự bảo mật nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Một số mô hình về PrEP mà Việt Nam đang triển khai hiện nay phải kể đến mô hình triển khai dịch vụ PrEP tại các cơ sở y tế công lập và hệ thống cơ sở y tế tư nhân; PrEP lưu động, điều trị PrEP từ xa –TelePrEP, khám toàn diện OSS, mô hình cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng trẻ tuổi như học sinh, sinh viên…
PrEP sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao được khuyến cáo điều trị PrEP bao gồm:
- Những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường âm đạo mà không dùng bao cao su với 2 bạn tình trở lên;
- Người quan hệ tình dục với một người nhưng người đó có 1 hoặc nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV;
- Những người có bạn tình, vợ/chồng bị nhiễm HIV chưa được điều trị ARV hoặc đang điều trị ARV nhưng tải lượng virus HIV từ 200 bản sao/ml trở lên;
- Những người đã từng mắc hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những người đã có điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV song vẫn có những hành vi nguy cơ cao;
- Những người sử dụng chung bơm kim tiêm; những người có nhu cầu được điều trị PrEP….
Tiêu chuẩn điều trị PrEP được áp dụng đối với những người có yếu tố nguy cơ, bắt buộc phải có xét nghiệm HIV âm tính, không có những hội chứng biểu hiện HIV cấp tính.
2 phương thức điều trị PrEP
PrEP được điều trị bằng thuốc uống theo 2 phương thức: sử dụng hàng ngày và theo tình huống.
TS. Đoàn Thị Thùy Linh giải thích, PrEP hàng ngày được áp dụng đối với tất cả những đối tượng đủ tiêu chuẩn sử dụng. Theo đó, những người này mỗi ngày sử dụng 1 viên thuốc kháng ARV để dự phòng kháng lây nhiễm HIV.
PrEP tình huốngchỉ áp dụng cho những người có giới tính sinh ra là nam, quan hệ tình dục thấp, trung bình dưới 2 lần/tuần và phải đảm bảo uống thuốc từ 2 – 24h trước khi quan hệ tình dục.
Về cách sử dụng PrEP uống theo tình huống: Do không uống hàng ngày nên PrEP sẽ được dùng theo công thức: 2 + 1 + 1 tức là:
Uống 2 viên (liều đầu tiên) trước khi quan hệ tình dục từ 2 - 24 giờ, chậm nhất là 2 giờ trước khi có quan hệ tình dục.
Uống viên thứ 3: sau 24 giờ tính từ khi uống liều đầu tiên
Uống viên thứ 4: sau 24 giờ tính từ khi uống liều thứ hai.
Nếu uống đúng hướng dẫn, người có quan hệ tình dục đồng giới cũng có thể bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV.
Trước khi điều trị PrEP thì khách hàng cần phải làm những xét nghiệm sau: xét nghiệm HIV bắt buộc và phải có kết quả âm tính, xét nghiệm chức năng thận, viêm gan B hay C và đặc biệt là sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu… Những xét nghiệm này không ảnh hưởng tới việc điều trị PrEP, có thể điều trị PrEP trong 24h ngay khi khách hàng đến cơ sở y tế yêu cầu được điều trị PrEP.
PrEP tình huống là cần thiết để những người nam quan hệ tình dục đồng giới có thêm sự lựa chọn phác đồ phù hợp mà an toàn và hiệu quả cao trong giảm nhiễm HIV. Để có hiệu quả cao và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, người sử dụng PrEP vẫn nên sử dụng bao cao su vì PrEP không bảo vệ được bạn khỏi các bệnh lây truyền khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C...