Prudential: Lãi sau thuế giảm, rót tiền khủng vào chứng khoán

Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực đầu tư, Prudential là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm mạnh dạn đầu tư vào cổ phiếu.

Prudential báo lãi ròng năm 2023 đạt hơn 3.113 tỷ đồng, giảm hơn 14% so năm trước

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính riêng năm 2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn đạt 27.137 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm rước, trong khi chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 21% nên doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022, còn 26.594 tỷ đồng.

Chi phí bồi thường bảo hiểm tăng 37,6% lên 13.173 tỷ đồng, chi phí khác giảm nhẹ còn 2.110 tỷ đồng, trong đó chi phí hoa hồng trả cho đại lý bảo hiểm Prudential Việt Nam giảm 24,3% xuống 2.105 tỷ đồng (đây là một khoản chi được các khách hàng và nhà đầu tư quan tâm khá quan tâm). Những yếu tố này dẫn đến tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 23,6% lên 25.310 tỷ đồng.

BCTC riêng năm 2023 của Prudential

Lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh từ mức 10.082 tỷ đồng xuống còn 1.283 tỷ đồng. Đáng lưu ý, lợi nhuận gộp từ hoạt động đầu tư tài chính của Prudential Việt Nam lại tăng tới 185% lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, lãi chưa thực hiện của các khoản đầu tư quỹ liên kết đơn vị đạt 2.302 tỷ đồng, so với khoản lỗ chưa thực hiện 2.927 tỷ đồng vào năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của Prudential.

Chi phí bán hàng của Prudential giảm 26% xuống còn 4.827 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 2.688,7 tỷ đồng.

Kết quả, Prudential báo lãi ròng năm 2023 đạt hơn 3.113,8 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm trước đó.

Tại ngày 31/12/2023, tổng giá trị tài sản của Prudential đạt 176.673 tỷ đồng, tăng 9,2%. Trong đó, công ty bỏ 33.500 tỷ đồng vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 117.500 tỷ đồng cho đầu tư tài chính dài hạn, tăng lần lượt 4,8% và 7,9% so với đầu năm.

Trong lĩnh vực đầu tư, Prudential là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm mạnh dạn đầu tư vào cổ phiếu. Gần một nửa các khoản đầu tư ngắn hạn của công ty này là 14.900 tỷ đồng, được đặt vào chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM. Phần còn lại của khoản đầu tư này thường được giữ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng.

Để so sánh, vào cuối năm 2023, Manulife - một trong những đối thủ cạnh tranh trong ngành bảo hiểm - cũng đã đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tổng tài sản đầu tư trái phiếu Chính phủ đạt 72.116 tỷ đồng, tăng 14,1%. Ngoài ra, công ty cũng đang nắm hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang đầu tư không được Prudential nêu trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 11,3% lên hơn 8.610 tỷ đồng, trong đó phải thu về hợp đồng bảo hiểm tăng nhẹ lên 3.739 tỷ đồng, phải thu khách của khách hàng là 3.738 tỷ đồng

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng 8,3% lên 154.336,8 tỷ đồng, trong đó phí bảo hiểm tạm thu, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tăng vọt từ 354 tỷ đồng lên 1.745,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 16% lên 22.335 tỷ đồng, trong đó có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 15.298,3 tỷ đồng (lũy kế).

Tính đến cuối năm 2023, số nhân viên của Prudential là 1.688 người, tăng 73 người so với đầu năm. Khoản chi phí lương năm 2023 hết 1.542 tỷ đồng, như vậy, bình quân Prudential chi cho mỗi nhân viên 77,8 triệu đồng/tháng. Đây là mức chi chưa tính đến tiền thưởng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm.

Kiểm toán lưu ý đối với 2 thuyết minh của Prudential

Năm 2023, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn đã ban hành quyết định xử phạt đối với Prudential. Công ty bị truy thu số thuế thu nhập doanh nghiệp trị giá 148 tỷ đồng cho năm 2021 và đã nộp vào Ngân sách Nhà nước vào ngày 4/1/2024. Do đó, vốn chủ sở hữu của Prudential đã được điều chỉnh giảm tương ứng.

Liên quan đến vấn đề này, đơn vị kiểm toán Ernst & Young có lưu ý đối với 2 thuyết minh.

Thứ nhất, sau khi nộp số thuế bị truy thu cho năm 2021 và thực hiện rà soát theo yêu cầu nêu tại Kết luận thanh tra, Công ty đã có báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản cho Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm ngày 6/2/2024 cùng với các cơ sở chứng từ cần thiết để hoàn tất các yêu cầu đã nêu tại Kết luận thanh tra nói trên.

Tại ngày lập báo cáo tài chính này, Công ty chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn thực hiện chi tiết nào khác từ các cơ quan quản lý liên quan đến các khoản chi phí được xem xét tại Kết luận thanh tra. Trường hợp có thêm những hướng dẫn khác không thuận lợi từ các cơ quan chức năng liên quan đến các khoản chi phí tương tự các khoản chi phí được xem xét tại Kết luận thanh tra, nghĩa vụ thuế phát sinh từ những khoản chi phí này trong các năm tài chính khác có thể bị ảnh hưởng. Tại ngày lập báo cáo tài chính năm 2023, ảnh hưởng tiềm tàng này chưa xác định được.

Thứ hai, dựa theo Kết luận thanh tra số 812/KL-BTC ban hành ngày 23/6/2023 và quyết định của Tổng cục Thuế, công ty đã thực hiện trình bày lại một số dữ liệu tương ứng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành phân loại lại một số khoản mục tài sản để đảm bảo tính so sánh với số liệu của năm hiện hành.

Một số khoản mục có sự thay đổi lớn. Chẳng hạn, toàn bộ tài sản dài hạn khác từ 4.058 tỷ đồng giảm về 0, bù lại chi phí trả trước dài hạn tăng 4.058 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác giảm 1.590 tỷ đồng, trong khi phải thu dài hạn khác tăng 1.590 tỷ đồng.

Thuế phải nộp nhà nước tăng thêm 148 tỷ đồng và ngược lại, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 148 tỷ đồng.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/prudential-lai-sau-thue-giam-rot-tien-khung-vao-chung-khoan-121936.html