PSI: Thị trường bán lẻ sôi động với cuộc đua giành thị phần của các 'ông lớn'
Bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan nhờ các đặc điểm thuận lợi về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và thiết bị thông minh. Các 'ông lớn' đều có kế hoạch mở rộng mạnh thời gian tới để chiếm lĩnh thị phần trong miếng bánh thị trường.
Thị trường bán lẻ sôi động
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 16 trên thế giới. Dân số Việt Nam hiện nay ước đạt 98,9 triệu người và dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu người vào năm 2025.
Đồng thời, Việt Nam cũng chứng kiến tốc độ người dân thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ dân cư thành thị gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua.
Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ, PSI nhận định.
Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy, Việt Nam chứng kiến thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân của thế giới.
Thu nhập tăng trưởng nhanh khiến cho giá trị giỏ hàng tiêu dùng của người Việt nâng lên nhanh chóng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 44,4% trong cùng giai đoạn.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 9/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Xem thêm: "Cập nhật 2 kịch bản CPI năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát là khả thi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
World Data Lab's dự báo Việt Nam sẽ tăng 8 bậc trong top 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong thập kỷ này và chiếm 1,1% dân số thuộc tầng lớp tiêu dùng thế giới vào năm 2030.
Còn theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo là sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2028 đạt 12,05%, gấp khoảng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong cùng giai đoạn.
Tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới vượt xa so với các thị trường Đông Á, Đông Nam Á và mức tăng trưởng bình quân của thế giới.
Cạnh tranh gay gắt để giành thị phần
PSI nhận định, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa chiếm thị phần lớn doanh số bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng tiêu dùng của người dân. Trong khi các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống dần mất đi vị thế thì các hình thức bán lẻ hiện đại đã tăng thị phần từ 15% năm 2015 lên 26% vào năm 2022.
Thêm vào đó, sự phổ biến của Internet và các thiết bị thông minh, cộng với tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho mua sắm trực tuyến bùng nổ. Việt Nam được EcommerceDB dự báo là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023-2027 là 12,3%.
Với tiềm năng tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn và tạo ra cuộc đua căng thẳng giữa những nhà bán lẻ "sừng sỏ" cả trong nước và trên thế giới như Winmart, Bách hóa xanh, Saigon Co-op, Vincom, Aeon (Nhật Bản), Mega Mart, Lotte Retail (Hàn Quốc), Central Retail (Thái Lan),...
Đầu tư mạnh để tăng độ phủ là chiến lược chung trong nỗ lực gia tăng thị phần của những nhà bán lẻ này. Trong đó, Vincom Retail và Aeon là những nhà bán lẻ chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ nhất về tổng diện tích sàn cho thuê bán lẻ trong những năm vừa qua.
Cuộc đua ngành bán lẻ tại Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục vô cùng gay cấn khi Centrail Retail, "ông trùm" bán lẻ Thái Lan có kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới và đặt mục tiêu tăng quy mô số cửa hàng lên gấp đôi, đạt 600 cửa hàng vào năm 2027.
Xem thêm: "Central Retail tuyên bố "rót" thêm 1,45 tỷ USD vào thị trường Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Aeon Mall cũng đang xây dựng 2 trung tâm mua sắm lớn tại Huế và Hà Nội, đồng thời có kế hoạch triển khai mô hình siêu thị quy mô vừa.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên sàn, PSI đồng thời đưa ra khuyến nghị khả quan, với Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG - sàn HoSE) giành được thị phần phân khúc cao cấp sau cuộc chiến giá trên thị trường ICT và kỳ vọng thành công bán 20% vốn của Bách hóa xanh cho đối tác nước ngoài với định giá 1,5 - 1,7 tỷ USD.
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã cổ phiếu FRT - sàn HoSE) dẫn đầu trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc, tận dụng cơ hội khi các đối thủ đang cần tái cấu trúc để tăng quy mô.
Công ty Cổ phần Thế Giới Số (mã cổ phiếu DGW - sàn HoSE) chọn tăng doanh thu từ những sản phẩm phân khúc thấp và đa dạng hóa sản phẩm.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) cải thiện biên lợi nhuận ròng, giành thị phần từ tay các đối thủ bất chấp thị trường chung suy yếu.