PTBT - Hiên (Trang 6-7, Sóc Trăng quê tôi, ngày 6/9, còn tiếp) Mùa đặt lờ bắt cá quê tôi

Như nhiều nơi khác ở Sóc Trăng, huyện Kế Sách quê tôi cũng có rất nhiều kênh rạch, ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt cho đời sống và sản xuất của người dân thì nó còn cho nhiều tôm, cá, giúp họ có thêm sinh kế, ổn định đời sống từ bao đời nay.

Với địa thế tự nhiên nhiều sông ngòi, kênh rạch nên nguồn thủy sản ở quê tôi cũng rất phong phú, đặc biệt là các loại cá sông và cá đồng. Mỗi loại tôm, cá có cách đánh bắt khác nhau, trong đó hình ảnh chiếc lờ được người dân quê tôi xem là quen thuộc và gần gũi nhất.

Lờ là một ngư cụ đánh bắt cá được làm bằng lưới, bằng tre, trúc hoặc dây chì. Tùy vào loại thủy sản đánh bắt mà mỗi chiếc lờ được thiết kế khác nhau, với kích thước lớn - nhỏ từ 2 hom đến 4 hom để nhử tôm cá vào. Điểm chung ở mọi chiếc lờ là đều có chỗ để cá thở và miệng để đổ cá ra, nhờ vậy mà cá bắt được luôn tươi sống.

Việc đặt lờ có thể diễn ra quanh năm nhưng “cá chạy” nhất là từ tháng Năm đến tháng Mười âm lịch, khi trời bắt đầu đổ mưa và nước từ thượng nguồn đổ về ngập các dòng kênh, con rạch, chừng đó tôm cá rất nhiều, tha hồ mà đổ lờ.

Đổ lờ bắt cá. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Đổ lờ bắt cá. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Thường họ đặt lờ bắt chủ yếu là các loại cá đồng, còn những nơi nằm cạnh sông lớn thì người dân có thể đặt lờ ở mé sông dưới tán bần hoặc dừa nước để bắt tôm. Ngày trước, tôm, cá còn rất nhiều nên việc đặt lờ bắt cá trở thành nguồn sống chủ yếu của nhiều người dân quê. Hồi nhỏ, tôi thường theo ba tôi đặt lờ. Lúc đó, lờ chủ yếu được ba tôi đan bằng tre, trúc. Dù tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công nhưng chiếc lờ rất bền đẹp, có thể sử dụng được lâu dài. Sở dĩ được vậy là vì khi đan lờ, ba tôi chỉ chọn các loại tre, trúc già, lấy phần gốc để đan, lờ đặt xong hết mùa cá thì phải rửa cho sạch rồi gác lên giàn bếp để tránh sâu mọt đục phá.

Để “cá chạy” thì người đặt lờ phải có kinh nghiệm phong phú, tùy loại thủy sản mà sử dụng một loại mồi nhử riêng. Ví như muốn đặt cua đồng thì phải chuẩn bị trước cá sặc để làm mồi, cá phải để ươn cho có mùi tanh để thu hút cua. Còn muốn đặt cá sặc thì phải chọn chỗ có bọt cá, sau đó dùng tay đùa bọt vào lờ, cá sẽ bị đánh lừa chui vào lờ rất nhiều. Cả 2 loại trên đều đặt lờ ở các mé mương rộng, vì cá sặc và cua thường di chuyển ở trong bờ. Riêng các loại cá lớn hơn như cá lóc, cá trê, cá rô đồng… thì người đặt phải xác định được đường di chuyển của cá để đặt lờ, thường thì người đặt sẽ chọn các đường nước hẹp trên ruộng. Khi đặt lờ, người đặt sẽ vét một đường nước thông với 2 hom của lờ, sau đó dùng cỏ ngụy trang để đánh lừa cá, cá bơi ngang sẽ nhầm tưởng nơi trú ẩn lý tưởng mà chui vào.

Thời gian đặt lờ có thể diễn ra cả ngày, đêm nhưng “cá chạy” nhất vẫn là vào ban đêm. Khi trời vừa chạng vạng thì người đặt lờ bắt đầu công việc của mình, sáng sớm hôm sau khi trời còn tối thì việc thăm lờ, đổ cá bắt đầu. Mỗi người có cách đặt riêng, tùy theo kinh nghiệm của mình. Có khi sau một đêm chờ đợi chỉ có được vài con cá, con cua. Bây giờ thì nguồn lợi thủy sản cũng giảm dần, nên người đặt lờ nhiều khi chịu thất thu.

Bây giờ, những chiếc lờ tre của ba tôi đan ngày nào vẫn được giữ gìn cẩn thận trên gác bếp sau nhà. Thỉnh thoảng, canh trời mưa hay nước rong đổ về tôi vẫn đem ra vườn đặt. Có khi chỉ kiếm được vài con cá, con cua nhưng thấy trong lòng vui không thể tả được. Bởi nó nhắc nhớ tôi về những ngày ấu thơ theo ba đặt lờ, được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích. Chiếc lờ cũng là bài học trực quan để tôi trao gửi cho thế hệ con cháu mình biết sống hòa đồng với thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên như cuộc sống của chính mình.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/202409/ptbt-hien-trang-6-7-soc-trang-que-toi-ngay-69-con-tiep-mua-at-lo-bat-ca-que-toi-aa3510b/