PTSC trước thềm Đại hội đồng cổ đông 2025: Sẵn sàng cho sức bật mới

Ngày 29/5 tới, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Theo các tài liệu đã được công bố, bức tranh kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 cùng kế hoạch cho giai đoạn tới cho thấy PTSC đang bước vào một chu kỳ phát triển mới với nhiều tín hiệu tích cực, nền tảng tài chính vững mạnh và tầm nhìn chiến lược rõ ràng.

2024: Năm “bứt phá” toàn diện

Năm 2024 ghi dấu mốc tăng trưởng nổi bật của PTSC, với doanh thu hợp nhất đạt 24.986 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, vượt 161% kế hoạch năm và tăng hơn 15% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.255 tỷ đồng, hoàn thành 190% kế hoạch và đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt 30,43%, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn và năng lực vận hành vượt trội trong bối cảnh thị trường năng lượng còn nhiều biến động.

Điểm sáng rõ nét trong năm 2024 là doanh thu từ thị trường ngoài nước chiếm trên 50%, chứng minh năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập toàn cầu thông qua việc thực hiện hàng loạt hợp đồng cung ứng dịch vụ kỹ thuật công trình biển tại Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực cho thấy mức tăng trưởng rõ rệt ở hầu hết các mảng hoạt động. Mảng cơ khí chế tạo đạt 17.227 tỷ đồng, tăng 49%, chiếm 69% tổng doanh thu; trong đó, các dự án dầu khí - công nghiệp đạt 11.310 tỷ đồng (tăng 56%) và các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi đạt 5.917 tỷ đồng (tăng 38%). Dịch vụ FSO/FPSO đạt 2.792 tỷ đồng, tăng 7%. Dịch vụ vận tải, lắp đặt và bảo dưỡng công trình biển đạt 3.016 tỷ đồng, tăng 51%. Dịch vụ khảo sát công trình ngầm bằng thiết bị ROV đạt 525 tỷ đồng, tăng 50%. Dịch vụ cảng và logistics đạt 2.156 tỷ đồng, tăng 28%.

Người lao động PTSC trên công trường dự án Lô B.

Người lao động PTSC trên công trường dự án Lô B.

Một số dự án đáng chú ý có thể kể đến như: trong lĩnh vực dầu khí - công nghiệp, PTSC đã bắt đầu triển khai chế tạo giàn xử lý trung tâm CPP thuộc dự án Lô B - công trình có quy mô lớn nhất từng được thiết kế và thi công tại Việt Nam. Đồng thời, PTSC đã ký kết hợp đồng tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ Lạc Đà Vàng và hợp đồng cung cấp FSO cho cùng dự án này.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, PTSC hoàn thành xuất khẩu chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 và bàn giao giàn tăng áp OSS cho dự án Hải Long (Đài Loan - Trung Quốc). Doanh nghiệp cũng tiếp tục thực hiện nhiều đơn hàng mới cho các dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ở mảng hạ tầng công nghiệp, PTSC tham gia thi công các hạng mục thuộc sân bay Long Thành, Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; triển khai đầu tư xây dựng bến số 3 - Khu bến cảng Dung Quất I và mở rộng hệ thống cầu cảng tại Hòn La.

Cùng với đó là các hạng mục đầu tư đáng chú ý như: đóng mới tàu dịch vụ, nâng cấp hệ thống cơ khí tự động hóa, xây dựng xưởng Prefab mới và trang bị thiết bị khảo sát hiện đại, nhằm nâng cao năng lực thi công chế tạo trong những năm tới.

Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả vận hành

Năm 2024 ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản trị và điều hành tại PTSC. Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành PTSC đã tiến hành tái cấu trúc nhân sự cấp cao, bổ nhiệm Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc phù hợp với định hướng phát triển và chiến lược trong giai đoạn mới. Việc sáp nhập PTSC G&S (nay là Chi nhánh Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm) giúp tinh gọn tổ chức, tối ưu năng lực liên kết nội bộ. Các giải pháp điều hành được triển khai đồng bộ nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí, gia tăng hiệu suất sử dụng nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực tài chính tổng thể.

PTSC là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách cao trong ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Năm 2024, tổng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.318 tỷ đồng, vượt tới gần 220% kế hoạch, thể hiện sự đóng góp tích cực cho ngân sách quốc gia. Doanh nghiệp cũng hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ chi trả cổ tức, chăm lo đời sống người lao động và trích lập các quỹ đầu tư phát triển theo đúng quy định.

Theo tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông, PTSC đề xuất chi trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ, tương ứng giá trị 334,6 tỷ đồng. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu không chỉ đảm bảo quyền lợi cổ đông mà còn góp phần tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới. Cùng với đó, PTSC đã trích hơn 436 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư phát triển và tiếp tục duy trì hơn 595 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối - phần lợi nhuận thực tế còn lại sau phân phối, tạo nguồn lực dài hạn cho đầu tư và tăng cường sức đề kháng tài chính để ứng phó hiệu quả với các biến động thị trường.

Kế hoạch năm 2025 - Cân đối tăng trưởng và hiệu quả tài chính

Bước sang năm 2025, PTSC đặt mục tiêu phát triển với tinh thần chủ động thích ứng, duy trì hiệu quả và đảm bảo an toàn tài chính. Doanh thu hợp nhất kế hoạch đạt 22.500 tỷ đồng, tiếp nối quy mô cao đã xác lập trong năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 780 tỷ đồng - mức dự báo thực chất, phản ánh chủ trương kiểm soát chi phí, ổn định vận hành và tích lũy nguồn lực cho giai đoạn đầu tư trung và dài hạn.

Trọng tâm kế hoạch năm 2025 là thúc đẩy đầu tư toàn diện theo định hướng dài hạn. PTSC dự kiến tăng vốn điều lệ từ 4.779 tỷ đồng lên 5.114 tỷ đồng sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó củng cố nền tảng tài chính để triển khai các dự án quy mô lớn trong nước và quốc tế. Tổng giá trị đầu tư toàn hệ thống trong năm 2025 ước đạt trên 5.000 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ dự kiến đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như điện gió ngoài khơi, cảng dịch vụ dầu khí, cơ khí công nghiệp và hạ tầng LNG - phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, PTSC sẽ trình thông qua Hợp đồng cung cấp, vận hành và bảo dưỡng Kho nổi chứa và xuất dầu khí (FSO) cho dự án Lô B. (Ảnh minh họa: FSO Golden Star của PTSC)

Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, PTSC sẽ trình thông qua Hợp đồng cung cấp, vận hành và bảo dưỡng Kho nổi chứa và xuất dầu khí (FSO) cho dự án Lô B. (Ảnh minh họa: FSO Golden Star của PTSC)

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông lần này, PTSC sẽ trình thông qua Hợp đồng cung cấp, vận hành và bảo dưỡng Kho nổi chứa và xuất dầu khí (FSO) cho dự án Lô B - một trong những mỏ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án có thời hạn khai thác lên tới 23 năm, tổng giá trị hợp đồng ước tính hàng trăm triệu USD, được thực hiện theo mô hình liên doanh với đối tác quốc tế, trong đó PTSC sở hữu 51% vốn điều lệ. Đây là bước đi chiến lược, không chỉ mang lại dòng tiền ổn định dài hạn, mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của PTSC trong chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Với nền tảng tài chính vững chắc, hệ sinh thái dịch vụ ngày càng hoàn chỉnh và danh mục dự án đang mở rộng sang các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, LNG và xuất khẩu điện, PTSC đang tích lũy nguồn lực để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Năm 2025 được xác định là năm bản lề, mở đầu cho giai đoạn đầu tư trung và dài hạn có chiều sâu, tạo đà vững chắc cho bước phát triển chiến lược mà doanh nghiệp đã chuẩn bị trong những năm qua./.

Tr.L

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ptsc-truoc-them-dai-hoi-dong-co-dong-2025-san-sang-cho-suc-bat-moi-728020.html