Púng Bon giữ rừng

Hưởng lợi ích từ việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, người dân bản Púng Bón, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung chăm sóc để cánh rừng ngày càng xanh tốt.

Người dân bản Púng Bon nghe hướng dẫn về công tác bảo vệ rừng.

Người dân bản Púng Bon nghe hướng dẫn về công tác bảo vệ rừng.

Cách trung tâm xã Pa Thơm, huyện Điện Biên khoảng 4km, bản Púng Bon nằm nép mình bên bờ sông Nậm Núa, tứ bề là núi rừng bao phủ. Đây là nơi quần cư của gần 60 hộ gia đình đồng bào dân tộc Cống.

Ông Quàng Văn Nó, một trong những cao niên của bản chia sẻ: Trước đây, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Púng Bon nằm tách biệt với bên ngoài. Các hộ gia đình trong bản đã di chuyển qua nhiều nơi dựng lều lán để ở, đốt rừng làm nương, nương bạc màu lại chuyển đi chỗ khác. Đến năm 1977, người dân chuyển về định cư tại điểm bản hiện nay. Những năm gần đây, bản được Nhà nước đầu tư mở rộng khu tái định cư, làm đường giao thông, đường điện, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế… Cuộc sống khấm khá, no đủ hơn, người dân không còn phá rừng như trước nữa.

Câu chuyện phá rừng làm nương ở Púng Bon đã lùi vào quá khứ, giờ đây cả bản được bao quanh bởi màu xanh của rừng. Những cánh rừng hồi sinh đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân ở Púng Bon, nhất là nguồn lợi từ khai thác lâm sản phụ, như: Măng tre, nấm, rau rừng đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ khi rừng được giao cho cộng đồng bản quản lý thay vì giao khoán cho từng hộ gia đình, cá nhân diện tích rừng của bản Púng Bon được bảo vệ tốt hơn. Đến nay, bản Púng Bon có hơn 780ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Màu xanh của rừng bao quanh cộng đồng bản người Cống ở Púng Bon.

Màu xanh của rừng bao quanh cộng đồng bản người Cống ở Púng Bon.

Tổ bảo vệ rừng bản Púng Bon hiện có 7 thành viên. Thông thường, mỗi tháng tổ sẽ đi tuần tra rừng khoảng 2 lần, mỗi lần sẽ có ít nhất từ 2 - 3 thành viên tham gia. Thời điểm này đang là mùa khô, những chuyến tuần tra rừng của bản cũng dày hơn. Mỗi tuần tổ bảo vệ rừng sẽ đi tuần tra rừng ít nhất 1 lần. Mỗi chuyến đi ngoài thành viên trong tổ bảo vệ rừng còn có sự tham gia của người dân trong bản. Ban quản lý bản thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng cho bà con; tổ chức cho người dân ký cam kết không chặt phá rừng.

Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, bản còn phối hợp với các bản lân cận tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ rừng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn khi đốt nương; xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn lực lượng, dụng cụ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

Giữ rừng xanh tốt, cộng đồng bản Púng Bon đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tỷ che phủ rừng của xã Pa Thơm lên 86,3% như hiện nay. Cùng với đó, mỗi năm bản Púng Bon còn được nhận từ 300 - 400 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đơn cử như năm 2023 cộng đồng bản được chi trả gần 400 triệu đồng.

Nhà văn hóa bản Púng Bon được xây dựng nhờ một phần kinh phí do cộng đồng bản trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Nhà văn hóa bản Púng Bon được xây dựng nhờ một phần kinh phí do cộng đồng bản trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tháng 8 vừa qua, nhà văn hóa bản Púng Bon được khánh thành đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi của 270 người dân bản Púng Bon. Anh Quàng Văn Chanh, Trưởng bản Púng Bon cho hay: Trước đây không có nhà văn hóa, mọi hoạt động chung của bản đều tổ chức tại nhà trưởng bản. Nhưng điều kiện thiếu thốn, không gian chật hẹp nên hoạt động bị hạn chế. Giờ đây có nhà văn hóa mới khang trang, rộng rãi nên các hoạt động chung cộng đồng bản tham gia đông vui hơn hẳn. Hơn hết, để xây dựng công trình, người dân bản Púng Bon đã cùng nhau góp đất, đồng thời thống nhất trích 50 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng góp thêm vào kinh phí xây dựng. Công trình được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, người dân trong bản ai cũng cảm thấy vui mừng, bởi đây là công trình được hoàn thiện một phần nhờ sự đoàn kết, chung tay của cộng đồng bản Púng Bon.

Rời Púng Bon, chúng tôi hiểu rằng, những cánh rừng nơi đây được bảo vệ xanh tốt, cảnh quan môi trường được giữ vững chính là những “trái ngọt” dành cho những nỗ lực của mỗi người dân trong bảo vệ, phát triển rừng. Tin tưởng rằng, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của bà con Púng Bon, những cánh rừng nơi đây sẽ mãi xanh tươi.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/moi-truong-rung/pung-bon-giu-rung