PV Drilling kỳ vọng sẽ thoát lỗ trong năm 2023
Năm 2023, PV Drilling đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 31 tỷ đồng so với kết quả kiểm toán năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng (trong khi năm trước lỗ 155 tỷ đồng).
Đây là kế hoạch được HĐQT Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, được tổ chức sáng 26/4.
Tại đại hội, Tổng giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường cho biết kế hoạch này dựa trên cơ sở hiệu suất sử dụng giàn tự nâng khoảng 3,9 giàn, đơn giá giàn tự nâng bình quân khoảng 75.000 USD/ngày, giàn đất liền hoạt động đến tháng 9/2023 và không có giàn khoan thuê.
Hiện tại, PVD đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan sở hữu trong năm 2023 với đơn giá dịch vụ đã được cải thiện so với năm 2022 đối với các hợp đồng dài hạn vừa ký kết.
Cụ thể, PVD đã tiếp tục ký kết các hợp đồng khoan tại Thái Lan, Malaysia cho các giàn khoan PV Drilling I, PV Drilling VI sau khi kết thúc các chương trình khoan trong nước. Giàn khoan PV Drilling II tiếp tục thực hiện hợp đồng dài hạn 2 năm với Pertamina từ tháng 12/2022. PV Drilling cũng đang đàm phán để kéo dài chương trình khoan của giàn khoan PV Drilling III cho Hibiscus tại Malaysia qua năm 2024 với mức giá tốt hơn.
"Những giàn khoan đã được kí kết năm ngoái đã được giá tốt hơn rất nhiều so với thị trường", ông Cường thông tin. Bên cạnh đó, các giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á đã rút sang thị trường Trung Đông. Đối với thị trường nội địa, Tổng giám đốc PVD nhận định vẫn còn khó khăn nhưng sang năm 2024, Việt Nam sẽ có các dự án dài hạn ngành dầu khí được đưa vào hoạt động.
Lãnh đạo PV Drilling dự kiến, nhu cầu giàn khoan tự nâng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7 - 8 giàn khoan và trong năm 2024 sẽ tăng lên 9 giàn. Với dự báo trên, Tổng giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường dự báo lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch đưa ra.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2023, PV Drilling dự kiến khoảng 297 tỷ đồng, trong đó chủ yếu bao gồm các khoản mục đầu tiên liên quan đến công tác hoạt động sửa chữa và mua sắm thiết bị trên giàn khoan, các thiết bị giếng khoan và mua sắm các trang thiết bị thực sự cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Về cổ tức, HĐQT PVD đề xuất không chia trả cổ tức năm 2022 do kết quả năm ngoái thua lỗ. Đối với năm 2023, HĐQT sẽ xem xét và trình trong lần ĐHĐCĐ năm 2024 phù hợp với tình hình và kết quả kinh doanh thực tế của tổng công ty.
Trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh quý 1/2023, ông Mai Thế Toàn, Chủ tịch HĐQT PV Drilling cho biết, doanh thu thuần của quý đạt 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 52 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, PVD lỗ sau thuế 75 tỷ đồng.
Giá cho thuê giàn trung bình khoảng 70.000 USD/ngày. Về hiệu suất sử dụng giàn, cho đến thời điểm hiện tại, các hợp đồng các giàn đã ký trong năm 2023 là liên tục và gối đầu nhau.
Đối với trích lập nợ xấu của KrisEnergy, khoản nợ này đã được công ty trích lập 82%, tương đương 76 tỷ đồng đến hết năm 2022; Còn lại 18% trong năm 2023 trong kế hoạch chưa đòi được thì công ty sẽ tiếp tục trích lập tiếp theo quy định.
Về biện pháp tránh rủi ro về tỷ giá, ông Toàn cho biết, hiện tại PVD đang hạch toán kế toán bằng đồng USD. Trong năm 2023, các hợp đồng cho thuê giàn cơ bản được thu bằng USD sẽ bớt ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá. Công ty sẽ theo dõi, bám sát tình hình thị trường để sử dụng nguồn tiền USD thu về cho phù hợp, cân đối giữa nguồn USD và VND trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, duy trì tiền USD để đảm bảo nhu cầu cần thiết khi có nhu cầu sử dụng ngoại tệ.
Đánh giá triển vọng giàn khoan thị trường trong nước, ông Đỗ Đức Chiến, Phó chủ tịch HĐQT PVD thông tin, hiện tại, Việt Nam có 8 giàn khoan tự nâng, trong đó 5 giàn khoan của Vietsopetro, PV Drilling sở hữu 2 giàn khoan và 1 giàn khoan nước ngoài đang thực hiện khoan cho Vietsopetro. Có khoảng 16 - 18 giếng khoan thăm dò thẩm lượng và 15 - 20 giàn khoan khai thác đã được phê duyệt trong năm 2023. Tuy nhiên, số lượng giàn khoan trung bình cần liên tục trong 1 năm tại Việt Nam tương đối thấp, chỉ từ 1,2 - 2 giàn, (chưa kể giàn tự nâng của Vietsopetro).
Nguyên nhân chủ yếu là 30-40% giàn khoan được triển khai trong năm đều do Vietsovpetro thực hiện. Bên cạnh đó, chương trình khoan có chỉ số ngày thi công ngắn, thời gian thi công tập trung vào tháng 3 - 10 hàng năm, nhu cầu giàn khoan tăng trong một thời điểm khiến nhiều công ty phải thuê thêm giàn từ nước ngoài để thực hiện. Ngoài thời gian này, là những thời điểm thời tiết không có lợi cho việc khoan nên nhiều giàn phải dừng, chờ.
Lãnh đạo PVD dự báo nửa cuối năm 2023, công ty sẽ thuê thêm giàn để phục vụ cho Vietsovpetro hoặc Thăng Long JOC.
Thông tin đến cổ đông về triển vọng của PVD tại các dự án lớn, Tổng giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khi luật dầu khí sửa đổi được thông qua, công ty chắc chắn sẽ có nhiều công việc hơn, thu hút mạnh hơn về đầu tư, công ty có cơ hội phát triển trở lại. Bản thân công ty cũng đã có những thị trường khu vực Đông Nam Á, đảm bảo công việc trong tương lai sắp tới.
Với đại dự án Lô B - Ô Môn, nếu thuận lợi thì dự kiến FID (Quyết định đầu tư cuối cùng) sẽ được phê duyệt quý III tới. Lịch First-gas (dòng khí đầu tiên) vào năm 2026, và công ty sẽ bắt đầu triển khai khoan từ cuối 2025.
Ban lãnh đạo đánh giá dự án có khối lượng rất lớn, công ty đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực để tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chỉ thực hiện khi FID được phê duyệt.
Đối với năm 2024 có nhiều chiến dịch khoan, các mỏ có kế hoạch tương đối dài như Đại Hùng Phase III, Lạc Đà Vàng,... Mỗi chiến dịch kéo dài tới 400 ngày. Khối lượng công việc này đối với PVD là rất lớn. Ngoài ra, Vietsovpetro cũng đang triển khai chương trình khoan.