PV Drilling: Toàn bộ giàn khoan đã có việc đến hết năm 2023, đơn giá dịch vụ mới tăng 40%
PV Drilling cho biết cả 6 giàn khoan đang sở hữu hiện đã có việc làm xuyên suốt năm 2023 với đơn giá dịch vụ các hợp đồng mới tăng tới 40% so với năm 2022.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (mã chứng khoán: PVD – sàn: HoSE) mới công bố báo cáo thường niên năm 2022 và kế hoạch sử dụng các giàn khoan trong năm 2023.
PV Drilling cho biết các giàn khoan đang sở hữu hiện đã thu xếp được việc làm liên tục đến hết năm 2023 với đơn giá dịch vụ tăng khoảng 30 - 40% so với năm 2022 đối với các hợp đồng mới ký. Bên cạnh đó, rủi ro đồng nội tệ Việt Nam mất giá trong năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2022. Đây chính là cơ sở để ban lãnh đạo PV Drilling nhận định công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững mới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường S&P Global, nhu cầu giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 lên mức 36,8 giàn (từ mức 32 giàn trong năm 2022), đẩy giá thuê ngày giàn khoan tự nâng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao (loại 361-400 IC) lên 130.000 USD/ngày vào tháng 12/2022. Đây là mức giá thuê giàn khoan tự nâng cao nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, theo báo cáo của hãng RigLogix, tỷ lệ sử dụng giàn khoan trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương đạt 95% vào cuối năm 2022.
Tại thị trường Việt Nam, PV Drilling dự kiến, nhu cầu giàn khoan tự nâng trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7 - 8 giàn khoan, tăng lên mức 9 giàn vào năm 2024 và có thể tăng cao hơn nữa trong năm 2025 khi các chương trình khoan dài hạn của hàng loạt dự án phát triển mỏ, như Đại Hùng Pha 3, Sư Tử Trắng - Pha 2B, Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, Thiên Nga - Hải Âu, Lạc Đà Vàng, Lô B - Ô Môn... được triển khai. Do đó, thị trường khoan dầu khí sẽ trở nên sôi động, đem lại nhiều cơ hội cho các nhà thầu tìm kiếm hợp đồng và cải thiện đơn giá thuê giàn khoan trong thời gian tới.
PV Drilling cũng cho biết, từ giữa năm 2023, 4 giàn khoan tự nâng và 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm tổng công ty đều sẽ làm việc ở thị trường nước ngoài. Đồng thời, PV Drilling đã tích cực làm việc với các đối tác và khách hàng để sắp xếp giàn khoan phù hợp cho thị trường trong nước.
Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch ngày 18/4, giá tham chiếu của cổ phiếu PVD của PV Drilling ở mức 20.350 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất của cổ phiếu PVD đạt hơn 3,68 triệu đơn vị.
Trong năm 2022, tổng doanh thu của PV Drilling đạt 5.432 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021, giúp lợi nhuận gộp đạt hơn 577 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp từ mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ cùng với lợi nhuận từ hoạt động đầu tư liên doanh không đủ bù đắp được áp lực lớn đến từ việc chi phí tài chính tăng mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục tăng lãi suất LIBOR trong năm 2022 cũng như ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Do đó, lợi nhuận sau thuế của PV Drilling năm 2022 âm 155 tỷ đồng - không đạt kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
Điểm sáng trong năm 2022 chính là việc cả 6 giàn khoán của PV Drilling đều hoạt động trở lại với hiệu suất hoạt động cao 98% và tuyệt đối an toàn. Bên cạnh đó, PV Drilling đã thâm nhập thành công vào thị trường Indonesia sau thời gian dài kiên trì đeo đuổi trong điều kiện công việc tại thị trường Việt Nam khan hiếm.
Giàn khoan nước sâu PV DRILLING V cũng đã xuất sắc hoàn thành các giếng khoan của khách hàng Brunei Shell Petroleum ngắn hơn so với kế hoạch và được đánh giá là nhà thầu tốt thứ 2 trong tất cả các nhà thầu khoan đang cung cấp dịch vụ giàn khoan cố định cho Shell Global.
Trong năm nay, Ban lãnh đạo PV Drilling sẽ tiếp tục quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường tìm kiếm việc làm, nỗ lực thu hồi công nợ, tăng cường công tác quản trị tài chính và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cắt giảm chi phí, kiểm soát ngân sách để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.