PVEP tổ chức hội thảo về kết quả nghiên cứu chung trong thu hồi và lưu trữ carbon với SK Earthon
Chiều ngày 28/10, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu chung về công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) với đối tác chiến lược SK Earthon (SKEO).
Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVEP Nguyễn Thiện Bảo; cùng các lãnh đạo trong HĐTV, Ban Tổng Giám đốc của Tổng công ty, lãnh đạo các ban/đơn vị và nhiều chuyên gia của PVEP.
Thỏa thuận nghiên cứu chung về CCS giữa PVEP và SKEO được ký kết chính thức ngày 29/8/2023 với tổng thời gian thực hiện 08 tháng. Mục tiêu của nghiên cứu chung nhằm đánh giá tính khả thi của việc triển khai công nghệ CCS tại Việt Nam cũng như tạo tiền đề cho các dự án hợp tác trong tương lai giữa PVEP và SKEO trong lĩnh vực thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS). Nghiên cứu chung này đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa PVEP và SKEO bên cạnh các hợp tác trong lĩnh vực dầu khí truyền thống.
Sau quá trình triển khai, chương trình nghiên cứu chung đã có các đánh giá tổng thể về tình hình CCS trên thế giới cũng như tiềm năng CCS tại Việt Nam; nghiên cứu chung cũng đưa ra các phân tích về công nghệ, chi phí cũng như xem xét các khung pháp lý cho việc triển khai CCS/CCUS. Trong khuôn khổ buổi hội thảo, với mục tiêu chia sẻ những kết quả quan trọng của chương trình nghiên cứu chung, các nội dung trình bày và thảo luận đã tập trung vào các khía cạnh then chốt, gồm: Đánh giá tiềm năng lưu trữ CO2 tại các bể trầm tích quan trọng như Sông Hồng và Cửu Long; Phân tích và xác định các nguồn phát thải CO2 lớn tại Việt Nam; Phương án phát triển dự án CCS tại khu vực Bể Cửu Long; Công nghệ theo dõi và giám sát CO2 trong và sau quá trình bơm ép; Đánh giá và đề xuất khung pháp lý liên quan đến CCS tại Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Chủ tịch HĐTV PVEP Nguyễn Thiện Bảo đánh giá cao nỗ lực của tổ triển khai trong việc hoàn thành nội dung nghiên cứu về lĩnh vực còn mới mẻ trong thời gian ngắn; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ CCS trong chiến lược phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và PVEP nói riêng. Các kết quả nghiên cứu được đánh giá là nền tảng quan trọng cho chiến lược CCS của PVEP trong tương lai.
Trong việc phát triển lĩnh vực CCS, Chủ tịch HĐTV PVEP Nguyễn Thiện Bảo đề nghị Tổng công ty, đối tác và các ban/đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình pilot, trong đó đánh giá tính khả thi, xác định lộ trình thực hiện và khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu giải pháp bơm ép CO2 để tăng cường thu hồi dầu và cần sớm xác định một vài dự án của PVEP để ưu tiên triển khai trước. Chủ tịch HĐTV PVEP cũng chỉ đạo cần nghiên cứu lộ trình và phương án triển khai cho các dự án khí có nồng độ CO2 cao mà PVEP sẽ triển khai trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu về CCS là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực thích ứng với chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và của PVEP nói riêng; đồng thời, khẳng định vai trò tiên phong của PVEP trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vì mục tiêu giảm phát thải.