PVEP: Viết tiếp hành trình 35 năm thăm dò và khai thác dầu khí
Trong hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã trở thành đơn vị chủ lực, cốt lõi trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Trong quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, dưới sự định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã trở thành đơn vị chủ lực, cốt lõi trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
*Những con số tự hào
Trong sự nghiệp phát triển chung của ngành Dầu khí Việt Nam, PVEP là đơn vị có bề dày truyền thống, giữ vai trò đơn vị chủ lực, cốt lõi của PVN trong thăm dò khai thác dầu khí. Quá trình hình thành và phát triển của PVEP gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Sự kiện thành lập Công ty PetroVietnam II (PV-II) và PetroVietnam I (PV-I) năm 1988 đã mở ra giai đoạn hội nhập quốc tế của PVEP, đồng thời bắt đầu hình thành lĩnh vực quản lý, điều hành các dự án dầu khí để triển khai các hoạt động, dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở trong nước và sau đó mở rộng đầu tư ra nước ngoài, gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật và đóng góp quan trọng cho Ngành Dầu khí Việt Nam và nền kinh tế đất nước. Với tính chất bước ngoặt của sự kiện này, ngày 20/5 hàng năm đã được PVN quyết định công nhận là Ngày Truyền thống của PVEP.
Năm 1994, PVEP tham gia cùng Nhà điều hành BHP và các Nhà thầu khác thẩm lượng thành công và đưa vào khai thác dầu của mỏ Đại Hùng. Đây là sự kiện đánh dấu thành tựu vẻ vang đầu tiên mà PVEP đạt được, cũng như góp phần quan trọng trong việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm – thăm dò dầu khí trên hầu hết các bể trầm tích ở Việt Nam.
Ngay sau đó, PVEP cùng nhiều nhà thầu tìm kiếm – thăm dò thành công nhiều đối tượng khác và đưa vào phát triển giai đoạn sau này như phát hiện mỏ Rạng Đông Lô 15-2, khai thác mỏ Hồng Ngọc, mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí trong móng tại mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Diamond trong các năm sau năm 2000. Bên cạnh đó, PVEP đã cùng Nhà thầu BP phát hiện ra các mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ, cùng Nhà thầu KNOC phát hiện ra mỏ Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây (đưa vào khai thác sau năm 2000) góp phần đảm bảo nguồn nhiên liệu trong sản xuất điện, đạm, hóa chất.
Đặc biệt, cùng với thành công của Vietsovpetro trong việc tìm thấy dầu trong đá móng nứt nẻ, dầu đã được khai thác ở móng nứt nẻ tại các mỏ Rạng Đông và Hồng Ngọc. Việc áp dụng kỹ thuật mới trong công tác thăm dò và thẩm lượng khai thác dầu ở tầng móng granite nứt nẻ đưa PVEP trở thành công ty có kinh nghiệm khai thác dầu trong tầng móng.
Trong giai đoạn 1988 – 2001, PVEP đã tham gia với tư cách là một bên góp vốn vào Dự án PM3-CAA, thực hiện trên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, hợp tác khu vực và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong khu vực biên giới vùng biển với các nước láng giềng của Việt Nam. Việc khai thác dầu khí ở Lô PM3-CAA không những đã đảm bảo sản lượng khai thác của ngành mà còn cung cấp lượng khí thiên nhiên lớn ổn định để hình thành Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau giúp phát triển khu vực Tây Nam của đất nước.
Việc triển khai công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài trong giai đoạn này cũng đã bắt đầu được xúc tiến, bước đầu đã có kết quả như việc ký kết Thỏa thuận hợp tác 3 Bên: Petronas Carigali – PIDC – Pertamina để tiến hành công tác thăm dò dầu khí ở dự án SK305 (Malaysia); dự án Lô PM304 (Malaysia); dự án thăm dò khai thác Lô 433a &416b tại Algeria... Trong giai đoạn này, PVEP đã có phát hiện dầu khí tại cấu tạo Bir Serba – Lô 433a&416b – Algeria (năm 2005), khai thác dòng dầu đầu tiên từ nước ngoài từ mỏ Cendor, Lô PM304 – Malyasia (tháng 9/2006).
Năm 2007, PVEP thành lập trên cơ sở tổ chức lại và sát nhập 2 công ty PIDC và PVEP cũ, tập trung hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo triển khai tốt nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án dầu khí trong nước và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Kể từ đó đến nay, mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuối năm 2014 giá dầu có xu hướng giảm khiến doanh thu của PVEP suy giảm trong khi giá cả thiết bị, dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao làm giảm hiệu quả hoạt động các dự án. Một số dự án cho kết quả giếng khoan không thành công như mong đợi, tài liệu địa chất mới chỉ ra tiềm năng dầu khí kém hơn, rủi ro từ môi trường đầu tư chưa đo lường hết khiến chỉ tiêu gia tăng trữ lượng không đạt như kỳ vọng. Hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu hoạt động và tìm kiếm dự án ở nước ngoài.
Đỉnh điểm, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2022 đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của PVEP ở trong và ngoài nước. Việc duy trì ổn định các lĩnh vực chuyên môn và hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện hạn chế đi lại; thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch là thách thức lớn với Tổng Công ty. Bên cạnh đó là những khó khăn về gia tăng trữ lượng và sự suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí; những bất cập trong thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách cho lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí chưa được tháo gỡ kịp thời; xu hướng chuyển dịch năng lượng tiếp tục tác động rõ rệt tới ngành công nghiệp dầu khí trên toàn thế giới.
Với phương châm và mục tiêu tăng tốc phát triển bằng các biện pháp đột phá, đổi mới từ nội bộ, PVEP đã đưa ra các phương án cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính và các chính sách nhân sự phù hợp, tái cấu trúc bộ máy cũng như cơ chế lương thưởng theo hiệu quả lao động để động viên, khuyến khích lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với các dự án bị dừng giãn, công tác khoan thăm dò thẩm lượng chỉ chủ yếu tập trung vào các dự án PVEP được gánh vốn hoặc tham gia không điều hành. Tình hình tài chính của PVEP đã từng bước được cải thiện, cơ bản các chỉ số tài chính chuyển hướng tích cực qua các năm.
PVEP đã tích cực triển khai khảo sát, thu nổ địa chấn ở các dự án điều tra cơ bản và các hoạt động tại các vùng/khu vực được PVN giao nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia tại các khu vực nhạy cảm về chính trị; tham gia đàm phán với các đối tác cùng Bộ Ngoại giao và PVN để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như đấu tranh với các hành động cản phá gây sức ép của nước ngoài đối với các hoạt động dầu khí do PVN cùng PVEP và các nhà thầu dầu khí thực hiện; phối hợp cùng PVN đàm phán và ký các hợp đồng dầu khí tại các vùng nước sâu, nhạy cảm với các đối tác nước ngoài là Exxon Mobil, Vietgazprom. Cùng với đó là hàng chục phát hiện dầu khí mới, đưa hàng chục mỏ vào khai thác. Hàng trăm sáng kiến, sáng chế, cùng các giải thưởng khoa học công nghệ được công nhận từ cấp Tổng công ty, Tập đoàn với giá trị làm lợi hàng trăm triệu USD.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 35 năm, PVEP đã đạt được những con số kết quả đáng tự hào. Đó là, tổng sản lượng khai thác là 93 triệu tấn quy dầu (toàn DA: 326 triệu tấn quy dầu); trong đó sản lượng dầu là 66 triệu tấn (toàn DA: 208 triệu tấn), sản lượng khí bán 27 tỷ m3 (toàn DA: 118 tỷ m3). Tổng doanh thu đạt 673 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước đạt 232 nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 161 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trữ lượng thu hồi còn lại và thu hồi tiềm năng đạt 176 triệu tấn quy dầu.
Với những thành tích đạt được, PVEP đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
*Phía trước vẫn nhiều thách thức
Bước sang một trang mới sau 35 năm xây dựng và phát triển, hiện PVEP đang đối mặt với những thách thức đến từ xung đột Nga - Ukraine kéo theo căng thẳng năng lượng; giá cả nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên phạm vi toàn cầu, khiến việc triển khai công tác gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, các mỏ khai thác của PVEP đang trong giai đoạn suy giảm tự nhiên, chi phí vận hành tang nhưng gia tăng trữ lượng chưa đáp ứng yêu cầu; các dự án phát triển quan trọng chưa có kế hoạch triển khai rõ ràng để đạt mốc dòng dầu/dòng khí đầu tiê. Việc phát triển dự án mới cũng như tìm ra các mỏ mới hạn chế và cơ hội thấp do những khó khăn trong thủ tục đầu tư, kết thúc đầu tư của các dự án.
Trước bối cảnh đó, PVEP đề ra các giải pháp với việc ưu tiên quản trị biến động, thúc đẩy đầu tư theo mục tiêu, chiến lược dài hạn từng dự án. Điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, triển khai sớm và hiệu quả các giải pháp tăng sản lượng khai thác; quản trị chi phí. Đẩy mạnh các công việc phát triển mỏ tại các dự án trọng điểm.
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam chia sẻ “sứ mệnh của một công ty dầu khí lớn như PVEP đầu tiên là phải đảm bảo về an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cho những người dân được tiếp cận những nguồn năng lượng với chi phí hợp lý”. Vì vậy, mục tiêu của PVEP trong giai đoạn phát triển tới là phải giữ được sản lượng khai thác dầu khí để đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Song song với trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PVEP cũng xác định trách nhiệm với các vấn đề về môi trường, về biến đổi khí hậu. Hiện PVEP đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với các vấn đề về môi trường, khí hậu. Trong hoạt động của khai thác dầu khí sẽ phát thải khí và việc giảm phát thải chính là mục tiêu hàng đầu của PVEP.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của PVEP cũng sẽ dần dần là chuyển dịch theo hướng từ dầu sang khí và theo hướng chế biến sâu hơn, tận dụng được tốt hơn sản phẩm của dầu thô và khí tự nhiên đưa lên theo đúng tinh thần phát huy chuỗi giá trị của Tập đoàn. Ngoài ra, PVEP cũng đang phối hợp với rất nhiều công ty, tổ chức ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu nghiên cứu, đánh giá về lĩnh vực công nghệ mới – Carbon capture and storage (CCS) hướng tới thu gom, tàng trữ và chôn lấp CO2 dưới lòng đất từ cơ chế chính sách đến công nghệ, kỹ thuật. PVEP cũng hướng đến triển khai một số dự án thí điểm, góp phần giảm phát thải theo mục tiêu cam kết của Chính phủ đạt Net Zero vào năm 2050. Đây là những mục tiêu lớn, dài hạn nhưng cũng đầy tham vọng của PVEP trong quá trình thích ứng với chuyển dịch năng lượng đang diễn ra./.