PVPower (POW) lập lờ thông tin, nhà đầu tư lãnh đủ?
Sự cố tổ máy số 1 Nhà máy điện Vũng Áng 1 thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, mã POW) có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty nhưng đã không được công bố thông tin đầy đủ, kịp thời.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại Hà Tĩnh có công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy. 9 tháng đầu năm 2021, nhà máy đạt sản lượng điện gần 5 tỷ kWh, doanh thu 7.730,98 tỷ đồng và đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của POW. Vào tháng 9, tổ máy số 1 đã gặp sự cố, tuy nhiên PVPower không công bố thông tin cho cổ đông và nhà đầu tư biết về sự việc này.
Trong các bản tin về tình hình sản xuất - kinh doanh 9 tháng, doanh thu tháng 10 và tháng 11, Tổng công ty chỉ cập nhật vài dòng tin sơ sài như “đánh giá tình hình sự cố và gấp rút đề xuất, triển khai các phương án có hiệu quả để khắc phục, khẩn trương đưa Tổ máy số 1 vào vận hành”.
Sự cố này đã khiến POW đang lãi chuyển thành lỗ trong tháng 10, tháng 11, dù vậy nhà đầu tư không hề biết thông tin quan trọng này. Các bản tin của Tổng công ty chỉ cho thấy tháng 10/2021, Nhà máy điện Vũng Ánh 1 đạt 11% kế hoạch sản lượng tháng (47,3 triệu kWh) và 13% kế hoạch doanh thu tháng (82,6 tỷ đồng). Tháng 11/2021, nhà máy này chỉ đạt sản lượng 204,3 triệu kWh và doanh thu 333 tỷ đồng, bằng 34% và 40% kế hoạch tháng.
Trong khi đó, Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán quy định, doanh nghiệp phải công bố thông tin khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Khi công bố thông tin, công ty đại chúng phải nêu rõ sự kiện xảy ra, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục (nếu có).
Oái ăm là, giá cổ phiếu POW lại tăng mạnh trong giai đoạn tổ máy số 1 nhà máy điện Vũng Áng 1 bị sự cố và doanh nghiệp bị lỗ, từ vùng giá xấp xỉ 12.000 đồng tăng lên gần 20.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ khi POW niêm yết cổ phiếu. Đây là cổ phiếu trong VN30 nên nhiều nhà đầu tư không mảy may nghi ngờ về tính minh bạch và quản trị công ty, đã mua vào cổ phiếu ở vùng giá cao.
Thậm chí, trong bản tin đăng trên website của POW về cuộc gặp gỡ với các chuyên gia đầu tư, phân tích công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ngày 22/12/2021 vẫn không hề đề cập đến thông tin trọng yếu trên, mà chỉ nêu rất tích cực rằng "năm 2021, POW ước vượt kế hoạch lợi nhuận 45% báo cáo hợp nhất và 26% báo cáo công ty mẹ". Nhiều nhóm chứng khoán hô mua cổ phiếu POW đã trích dẫn, đăng lại thông tin này để hô hào nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục mua POW ở vùng đỉnh.
Từ nguồn tin của mình, Đầu tư Chứng khoán đã cập nhật thông tin POW lỗ trong tháng 11 đến các nhà đầu tư. Đồng thời, tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cũng cho thấy, sự cố Tổ máy số 1 nhà máy điện Vũng Áng là nghiêm trọng, thời gian khắc phục sự cố có thể kéo dài tới cả năm.
Sau khi Đầu tư Chứng khoán đưa thông tin POW lỗ trong tháng 11 và sẽ không đạt kế hoạch doanh thu năm 2021. SSI Research đã đưa thông tin, tại cuộc gặp giới chuyên gia, phân tích các công ty chứng khoán hôm 22/12, đại diện POW cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Công ty ước đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, quý IV năm nay POW sẽ lỗ trước thuế 124 tỷ đồng do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của nhà máy điện Vũng Áng. Đây cũng là lần đầu tiên POW có quý thua lỗ từ khi lên sàn chứng khoán.
Với những thông tin tiêu cực như trên, cổ phiếu POW đã bị xả mạnh giá sàn, chốt tuần qua giá 17.250 đồng/ cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu POW đang rất lo lắng.
Từ sự việc này, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Có hay không việc lãnh đạo POW che giấu thông tin nghiêm trọng về hoạt động doanh nghiệp? Có hay không việc bất cân xứng thông tin giữa các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư với các nhà đầu tư trên thị trường khi thông tin trọng yếu trên được đưa ra tại cuộc họp hôm 22/12 mà không được công bố đồng thời trên website của doanh nghiệp? Tại sao thông tin ở cuộc họp lại bất nhất với thông tin được POW viết lại về cuộc họp đăng trên website của Tổng công ty?