Qua 21 năm, vốn tín dụng chính sách xã hội tăng 40,8 lần
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ là 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đang có tổng dư nợ đạt 13.628 tỷ đồng với hơn 262 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 13.294 tỷ đồng (gấp 40,8 lần) so với thời điểm nhận bàn giao.
Ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại.
Từ đó đến nay, qua 21 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tập trung huy động nguồn lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đang có dư nợ tại 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 13.628 tỷ đồng với hơn 262 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 13.294 tỷ đồng (gấp 40,8 lần) so với thời điểm nhận bàn giao.
Trong 21 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, góp phần giúp hơn 244.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 901.000 lao động, giúp hơn 147.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 805.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Từ nguồn vốn nhận bàn giao ban đầu là 349 tỷ đồng, đến 30-9-2023, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đạt 13.680 tỷ đồng, tăng 13.331 tỷ đồng (gấp 39,2 lần) so với nguồn vốn nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 666,6 tỷ đồng.
Trong đó: Nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 7.204 tỷ đồng, tăng 7.184 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 359 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,7% trên tổng nguồn vốn.
Điều này đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh nguồn vốn được bổ sung từ ngân sách thành phố, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều quan tâm bố trí chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay các đối tượng thụ hưởng.
Kết quả trong 21 năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.