Quả bom nợ Evergrande vừa thoát khỏi bờ vực vỡ nợ thêm một lần nữa
Lần thứ hai tiếp theo trong tháng này, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc Evergrande được cho là đã xoay sở thành công việc cho khoản trả lãi để tránh vỡ nợ vào phút chót.
Theo New York Times và Bloomberg, công ty nợ nần này đã trả lãi cho một đợt trái phiếu bằng USD đến hạn vào cuối tháng 9, ngay khi thời gian ân hạn 30 ngày hết hạn.
Một dự án xây dựng của Evergande. Một số phương tiện truyền thông cho rằng Chủ tịch công ty Xu Jiayin đang bị áp lực và phải tự bỏ tiền túi của mình để giữ cho công ty phát triển. Ảnh: Bloomberg.
Hiện các nguồn tin vẫn không thể xác minh một cách độc lập rằng khoản thanh toán này đã được thực hiện thật hay chưa và Evergrande cũng không trả lời ngay lập tức bất kì yêu cầu bình luận nào liên quan đến vấn đề này. Theo dữ liệu từ Eikon Refinitiv, khoản lãi phải trả này có trị giá lên tới 47,5 triệu USD cho trái phiếu hết hạn vào tháng 3 năm 2024.
Báo cáo trên được đưa ra vào hôm thứ 6 - ngay một tuần sau khi Evergrande báo cáo đã trả 83,5 triệu USD tiền lãi quá hạn cho một đợt trái phiếu USD - cũng ngay trước khi hết thời gian ân hạn.
Không rõ Evergrande đã lấy tiền ở đâu để trả những khoản nợ này. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông cho rằng Chủ tịch công ty Xu Jiayin đang bị áp lực và phải tự bỏ tiền túi của mình để giữ cho công ty phát triển.
Đầu tuần này, Bloomberg đưa tin rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu ông Xu sử dụng tài sản cá nhân của mình để trả các khoản nợ của công ty.
Truyền thông địa phương ở Hồng Kông cũng đã đưa tin, trích dẫn thông tin từ một cơ quan đăng ký đất đai địa phương, rằng ông Xu đang sử dụng một biệt thự trong thành phố làm tài sản thế chấp để đảm bảo các khoản vay ngân hàng.
CNN Business không thể xác minh những báo cáo đó một cách độc lập. Nhưng bất động sản đó lại nằm trong một khu dân cư Hong Kong cực kỳ đắt đỏ. Những ngôi nhà lân cận có giá khoảng 700 triệu đô la Hồng Kông (90 triệu USD).
Một bộ phận chi nhánh tại Trung Quốc đại lục của Evergrande, Guangzhou Kailong Real Estate, cũng vừa bán phá giá sáu triệu cổ phiếu, trị giá 15,48 triệu nhân dân tệ (2,4 triệu USD), cho một tập đoàn phát triển niêm yết tại Thâm Quyến có tên là China Calxon Group vào hôm thứ 3 vừa qua. Evergrande vẫn sở hữu khoảng 1/5 công ty đó thông qua Guangzhou Kailong.
Mặc dù vậy, Evergrande vẫn đang phải gánh một số nợ lớn. Tổng nợ phải trả của công ty ở mức khoảng 300 tỷ USD. Và công ty vẫn còn khoản lãi chưa thanh toán trị giá 148 triệu USD đã đến hạn vào tháng trước.
Theo Eikon Refinitiv, công ty cũng có các khoản thanh toán trị giá vài trăm triệu USD trong năm nay, bao gồm khoản thanh toán lãi suất 14,25 triệu USD cho một đợt trái phiếu USD sẽ đến hạn vào ngày mai.
Cổ phiếu của Evergrande đã giảm 3% tại thị trường Hồng Kông vào thứ 6 vừa qua.
Một vụ vỡ nợ của Evergrande có thể sẽ kích hoạt các vụ vỡ nợ chéo và làm lan rộng làn sóng xung kích này qua các bộ phận khác của nền kinh tế Trung Quốc.
Những lo ngại về sự lây lan vỡ nợ từ Evergrande đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu bất an trong những tháng gần đây, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu ở thị trường Hồng Kông, New York và London.
Lợi tức trái phiếu ra nước ngoài do các công ty Trung Quốc phát hành cũng tăng cao, khiến các công ty này khó huy động tiền hơn.
Và một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc nhỏ hơn đã không trả được nợ nước ngoài trong những tuần gần đây, bao gồm Fantasia Holdings có trụ sở tại Thâm Quyến và Modern Land có trụ sở tại Bắc Kinh.
Các nhà phân tích từ Moody\'s viết trong một báo cáo hôm thứ 5 rằng: “Việc tiếp cận nguồn vốn cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã thắt chặt ... đáng kể và nhanh chóng trong những tuần gần đây, khi các ngân hàng và nhà đầu tư trái phiếu trở nên thiếu hiểu biết về lĩnh vực bất động sản”.
Họ nói thêm rằng doanh số bán bất động sản cũng đã giảm do chi tiêu của các chủ đầu tư bị hạn chế và những lo ngại của người mua nhà về việc liệu các bất động sản có được hoàn thiện hay không.
Bắc Kinh dường như đang nhận thấy những rủi ro của việc một số công phát triển bất động sản không thể đáp ứng được các nghĩa vụ nợ ở nước ngoài.
Hôm thứ 3 vừa qua, hai cơ quan quản lý kinh tế lớn của đất nước đã kêu gọi các công ty “trong các ngành công nghiệp chủ chốt” mua lại tiền gốc và lãi trái phiếu ở nước ngoài của họ. Các cơ quan nói rằng họ muốn các công ty giải quyết nợ nước ngoài để bảo vệ danh tiếng của chính họ, cũng như “trật tự chung của thị trường.”
Huy Hoàng (Theo CNN)