'Quả đấm thép' giữ chủ quyền
Trước nguy cơ chiến tranh và mưu toan xâm lược của kẻ thù, tháng 7/1978, đơn vị Hải quân đánh bộ thứ hai của Quân chủng Hải quân được gấp rút thành lập với tên gọi ban đầu là Trung đoàn 147. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 đã và đang được xem là một trong những 'quả đấm thép' bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tháng 8/2023, tại Quảng Ninh - nơi đặt “đại bản doanh” của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ (HQĐB) 147, phóng viên Tiền Phong có dịp gặp gỡ những quân nhân tinh nhuệ, hừng hực sức trẻ đang ngày đêm miệt mài rèn tập.
Gần giờ trưa, trời nắng gắt, trên khoảng sân rộng của Tiểu đoàn HQĐB cơ giới 474 thuộc Lữ đoàn HQĐB 147 vang lên những khẩu lệnh huấn luyện đanh gọn của Đại úy Tô Tuấn Anh - Phó Đại đội trưởng Đại đội 2. Các chiến sĩ trong đại đội với vũ khí, trang bị hiện đại thay phiên nhau luyện tập sôi nổi, mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục ôm sát những cơ thể rắn rỏi, săn chắc…
Bơi giỏi, đánh tốt
Theo Thiếu tá Phạm Văn Thao - Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự Tiểu đoàn HQĐB cơ giới 474, một trong những nhiệm vụ trung tâm của đơn vị là nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, cơ động làm nhiệm vụ A2 và chi viện. Đồng thời huấn luyện tiểu đoàn theo hướng tinh nhuệ và một đại đội HQĐB mẫu theo tiêu chí mới; tham gia huấn luyện hiệp đồng đổ bộ đường không với Không quân theo phương án tác chiến bảo vệ biển, đảo; huấn luyện dã ngoại - chi viện tại Trường Sa, huấn luyện hiệp đồng đổ bộ đường biển và biên đội tàu đổ bộ...
Thiếu tá Thao cho biết, hiện nay, việc tuyển chọn đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan - chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 474 đơn vị gồm nhiều tiêu chí cụ thể về lập trường chính trị, có năng lực, trình độ, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ đất nước và chế độ. Bên cạnh đó là tuổi đời đối với chiến sĩ từ 18-28 tuổi, với quân nhân chuyên nghiệp là từ 40 tuổi trở xuống; có chiều cao tối thiểu từ 1,65-1,75m; cân nặng từ 55-75kg; sức khỏe đạt loại 1 và 2 theo thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế.
“Lữ đoàn 147 là nơi luyện rèn bản lĩnh ngày một vững vàng cho mỗi người lính. Chỉ có những người tâm huyết với đơn vị, trách nhiệm với công việc và trên hết là tình yêu với biển đảo quê hương mới có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”
Đại úy Tô Tuấn Anh
“Tiểu đoàn đã xây dựng được lớp cán bộ trẻ năng động, cùng với hạ sĩ quan - chiến sĩ được đào tạo và rèn luyện ở chính Lữ đoàn nên công tác nắm tư tưởng và huấn luyện bộ đội có nhiều thuận lợi. Hiện nay, tuổi đời CBCS trong độ tuổi Đoàn chiếm 62% quân số tiểu đoàn”, Thiếu tá Thao chia sẻ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu, đặc thù tác chiến mang tính cơ động, hiệu quả, Tiểu đoàn HQĐB 474 đã được đầu tư hiện đại hóa toàn bộ vũ khí trang bị của người lính để bảo đảm chỉ huy và tác chiến.
Tiểu đoàn cũng tập trung rèn luyện thể lực bền bỉ, dẻo dai cho bộ đội như cơ động hành quân đường dài với vật chất lên tới 25kg cùng mang vác vũ khí; chỉ tiêu 100% quân nhân đều bơi giỏi trong huấn luyện chi viện ở khu vực quần đảo Trường Sa, chiến sĩ thực hành tiếp cận các mục tiêu ngoài biển với cự ly 5km thành đội hình bơi trang bị tiếp cận đánh chiếm mục tiêu trên đảo; các nội dung võ chiến đấu đặc công, võ trinh sát được đưa vào huấn luyện để bảo đảm sát thực tế chiến đấu…
Cắt sóng, vượt luồng giữ đảo
Ngoài HQĐB cơ giới, Lữ đoàn 147 còn sở hữu một binh lực quan trọng khác là đội hình xe tăng bơi nước. Thiếu tá Ngô Mạnh Cường - Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự Tiểu đoàn xe tăng 1047 thuộc Lữ đoàn 147 cho biết, tiểu đoàn có số lượng xe tăng chủ yếu là PT-76b với khả năng cơ động việt dã và bơi nước tốt, thành viên các kíp xe đa phần là những người có tuổi quân dày dặn.
Theo Thiếu tá Cường, bên cạnh bản lĩnh chính trị vững vàng cùng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, các quân nhân ở Tiểu đoàn 1047 còn được đơn vị duy trì nghiêm kế hoạch huấn luyện kết hợp với ôn luyện, rèn luyện ngoại khóa nhằm nâng cao thể lực theo từng lứa tuổi. Đặc biệt là chú trọng phát triển khả năng cơ động, sức bền, sức chịu đựng khi hành quân trên biển không bị say sóng, say nắng.
Thuộc lớp “lính cựu” ở Tiểu đoàn 1047, sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 ở Đồng Nai, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý (sinh năm 1975, quê Nghệ An) được giao đảm nhiệm vị trí Trưởng xe tăng thuộc Đại đội 15 gần 30 năm qua và đã tham gia rất nhiều mùa huấn luyện hiệp đồng, huấn luyện chi viện, diễn tập tại các đảo trên vùng biển Đông Bắc hay quần đảo Trường Sa.
Một trong những kỷ niệm khiến Thiếu tá Quý không thể quên là lần cơ động từ Quảng Ninh vào tham gia huấn luyện chi viện tại Trường Sa năm 2010. Sau một tháng huấn luyện tại bờ, anh cơ động theo tàu ra một đảo và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, đơn vị huấn luyện đổ bộ từ tàu vào đảo chủ yếu vào ban đêm, không được sử dụng hệ thống chiếu sáng do tính chất bí mật của nhiệm vụ…
“Kết thúc diễn tập cũng là lúc trời sáng, tôi quan sát khu vực vừa đổ bộ thì thấy xung quanh là hào sâu rất nguy hiểm cùng với vô số chướng ngại vật. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được những khó khăn, nguy hiểm mà ngày trước cha ông ta đã phải trải qua khi tiếp cận giữ đảo, bảo vệ chủ quyền nơi đầu sóng”, Thiếu tá Quý kể.
Gác niềm riêng bảo vệ chủ quyền
Sinh năm 1995, Đại úy Tô Tuấn Anh thuộc lớp cán bộ trẻ nhiều năng lực và được xem là “hạt giống đỏ” của Lữ đoàn. Nhập ngũ năm 2013, sau 4 năm học tập ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 (chuyên ngành Binh chủng hợp thành), chàng sĩ quan trẻ quê Hà Tĩnh về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn HQĐB 474. Trưởng thành từ chức vụ ban đầu là trung đội trưởng, Phó Đại đội trưởng Đại đội 2 Tô Tuấn Anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế về huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để luôn sẵn sàng cho những tình huống trận mạc trong tương lai.
Đại úy Tuấn Anh nhớ lại: Tháng 8/2021, anh cùng đơn vị tham gia đợt huấn luyện quan trọng dài ngày tại quần đảo Trường Sa.
“Thời điểm đoàn tàu quân sự đưa đơn vị cập đảo cũng là lúc tôi nhận được tin từ quê nhà báo ra là mẹ tôi qua đời. Tôi lặng người đi, sau đó trấn tĩnh lại và gọi về cho bố nhưng không được vì sóng điện thoại chập chờn, ngay cả em trai tôi khi đó đang học đại học ở Đà Nẵng cũng không thể về chịu tang bởi dịch COVID-19 đang căng thẳng. Nén nỗi đau mất mẹ, tôi tự động viên mình vượt qua cú sốc tinh thần này để làm gương cho bộ đội hoàn thành đợt huấn luyện. Cuối năm đó, sau khi tàu về bờ, tôi đi phép về quê chịu tang mẹ…”, Đại úy Tuấn Anh tâm sự.
Với Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý (Trưởng xe tăng thuộc Đại đội 15) và các đồng đội ở Tiểu đoàn xe tăng 1047, dù luôn đau đáu về những khó nhọc từ phía hậu phương trong cuộc sống thường nhật, nhưng họ vẫn luôn xác định gác niềm riêng để cống hiến cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Nhờ tinh thần vượt khó, Thiếu tá Quý trở thành chỗ dựa tin cậy cho những đồng đội trẻ trong đơn vị thông qua việc kèm cặp, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng sử dụng vũ khí trang bị để giúp đỡ lớp người sau có thêm kinh nghiệm và nhiệt huyết trong mọi nhiệm vụ.
“Năm 2009, tôi xây dựng gia đình trên địa bàn đóng quân. Lúc này điều kiện kinh tế hai bên nội, ngoại đều rất khó khăn. Vợ chồng tôi phải đi thuê nhà trọ, con còn nhỏ, vợ không có việc làm, sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập của tôi. Cách đây 3 năm, nhờ sự giúp đỡ của đơn vị, gia đình tôi được hỗ trợ xây tặng nhà đồng đội nên mới có chỗ ở ổn định”, Thiếu tá Quý chia sẻ...
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/qua-dam-thep-giu-chu-quyen-post1564064.tpo