'Quả ngọt' từ những lớp truyền dạy văn hóa cồng chiêng tại Đắk Lắk

Trong tháng 10 vừa qua, Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột đã được tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của hơn 250 thí sinh, nghệ nhân trẻ.

Theo đánh giá của ban tổ chức, hầu hết các tiết mục đều được biểu diễn nhuần nhuyễn, bài bản. Một số đội chiêng tuy các thành viên tuổi còn rất trẻ nhưng cách diễn tấu khá chuyên nghiệp. Đây có thể xem là những “trái ngọt” trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk sau thời gian thực hiện các đề án bảo tồn, truyền dạy.

Biểu diễn mở màn tại Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ nhất, đơn vị Buôn Ky, phường Thành Nhất để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Những tiết mục độc tấu, hòa tấu và dân vũ của đội được biểu diễn thuần thục bởi các thí sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có em mới chỉ hơn 10 tuổi. Nhìn những đôi tay đánh chiêng nhịp nhàng, chắc nhịp, những bàn tay múa uyển chuyển, bước chân đều tăm tắp, ai cũng tấm tắc về sự luyện tập chăm chỉ của mỗi thành viên trong đội.

Lần đầu được tổ chức, các tiết mục tham gia liên hoan được đánh giá cao về chất lượng

Lần đầu được tổ chức, các tiết mục tham gia liên hoan được đánh giá cao về chất lượng

Kể về quá trình luyện tập chuẩn bị cho tiết mục dự thi, em H Wanna Ktul, thành viên đội thi buôn Ky, phường Thành Nhất cho biết: "Chúng em tập được ba ngày, mỗi lần tập là 2 tiếng và mỗi tiếng được 3 lần. Chúng em phải đúng giờ tập trung để tập, với lại đội phải có ý kiến chung. Vì nếu mà không có ý kiến chung thì tụi em không tập được, không đều được".

Y Diệp Ênuôl là thành viên nhỏ tuổi nhất đội thi của buôn Ky, tham gia biểu diễn 3 tiết mục, trong đó có một tiết mục độc tấu đàn T’rưng “Cô gái vót chông”. Mới 10 tuổi nhưng Y Diệp đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ như đàn T’rưng, trống, chiêng tre. Y Diệp kể, vì có bố là người chế tác và kinh doanh nhạc cụ nên từ nhỏ em đã được tiếp xúc với các loại nhạc cụ khác nhau và cảm thấy yêu thích, muốn học cách sử dụng, biểu diễn.

Y Diệp Ênuôl nói: "Con rất thích đàn, bố dạy con đánh đàn được 4 năm, con học các nhạc cụ dân tộc. Lần này tham gia liên hoan con rất vui, được gặp các bạn ở đây, thấy các bạn đánh chiêng hay, các anh đánh chiêng đánh trống hay".

Liên hoan thu hút thí sinh nhiều lứa tuổi tham gia với đa dạng thể loại nhạc cụ

Liên hoan thu hút thí sinh nhiều lứa tuổi tham gia với đa dạng thể loại nhạc cụ

Lần đầu được tổ chức, Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột thu hút sự tham gia của 14 đội, 60 tiết mục với nhiều thể loại như: độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, nhảy dân vũ. Các đội thi đã đem đến những tiết mục đặc sắc, thể hiện văn hóa truyền thống của các dân tộc Êđê và Mường. Theo đánh giá của ban tổ chức, một số đội thi đã thể hiện được sự nổi trội trong diễn tấu cồng chiêng, sự chuyên nghiệp trong biểu diễn. Các tiết mục múa được dàn dựng tốt, phù hợp và thể hiện được đặc trưng của dân vũ Êđê.

Nghệ sĩ Linh Nga Niê Kđăm, Trưởng ban thẩm định liên hoan đánh giá: "Có những đội rất điêu luyện, đánh rất là tốt, có sự đối đáp, sự nhấn nhá như là vẻ đẹp của dàn chiêng, của bài chiêng đấy. Cũng có một số đơn vị đạt được điều đấy nhưng đại đa số chỉ đánh thường thôi. Cái đấy cũng thể hiện sự quan tâm để các cháu được luyện tập thì chưa nhiều, cơ hội để cho các cháu được trình diễn chưa nhiều".

Kết thúc liên hoan, ban tổ chức đã trao 6 giải cho các đoàn có thành tích cao và 18 giải cho các tiết mục xuất sắc. Đây không chỉ là sự động viên, khích lệ với các đơn vị mà còn là những “quả ngọt” sau nhiều năm triển khai đề án truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ của chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Nghệ nhân trẻ Y Phúc Êban, ở buôn Ju, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, người dành nhiều thời gian và tâm huyết truyền dạy đội chiêng thiếu nhi tại một số buôn làng ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Khi dạy các cháu làm quen với bộ chiêng tre, các cháu rất là đam mê và nhiệt tình. Trong quá trình giảng dạy vẫn có những khó khăn nhất định nhưng dần dần các cháu cũng tiếp thu thì rất mừng vì các cháu yêu truyền thống, bản sắc của mình. Mỗi đợt liên hoan như thế này sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho các cháu duy trì được bản sắc, phong tục, tập quán cũng như là tập luyện cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc".

Đội chiêng nữ trẻ tập luyện tại khu vực Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột

Đội chiêng nữ trẻ tập luyện tại khu vực Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột

Một điều ấn tượng của Liên hoan này là được tổ chức tại khu vực Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, nhờ vậy đã tạo nên một không gian thân thiện cho người dân và du khách. Nhiều người đã tranh thủ chụp hình hoặc quay clip các bài tập, bài biểu diễn của các đội chiêng và lan tỏa rộng rãi trên các trang mạng xã hội, tạo hiệu ứng thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng.

Ông Phạm Tiến Hưng, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: liên hoan là hoạt động nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của thành phố về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì tập luyện, thực hành vốn di sản quý báu của dân tộc. Đây cũng là một cách để quảng bá văn hóa du lịch của địa phương. Sự thành công của liên hoan góp phần mở ra nhiều kế hoạch để địa phương tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Ông Hưng nói: "Dự kiến trong thời gian đến thì cứ vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật của cuối tháng thì chúng tôi tổ chức liên hoan tại vị trí khu vực quảng trường một lần để trên cơ sở đó tạo sân chơi cho các thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số. Đồng thời quảng bá hình ảnh con người và các nét văn hóa của dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột, mời gọi các nhà đầu tư cũng như là các khách du lịch đến thăm, thưởng thức các nét văn hóa của các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột".

Những kế hoạch, định hướng của thành phố Buôn Ma Thuột cũng mở ra triển vọng để các đội chiêng trẻ có thêm nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng trình diễn, tiếp cận tốt hơn với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các buôn làng có được đội ngũ vững vàng hơn để kế thừa và phát huy các gia trị văn hóa, tạo ra những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/qua-ngot-tu-nhung-lop-truyen-day-van-hoa-cong-chieng-tai-dak-lak-post1057966.vov