Quả ngọt từ xã hội hóa giáo dục, y tế ở TPHCM - Bài 2: Đòn bẩy nâng cao chất lượng dạy và học
TPHCM là một trong những địa phương triển khai xã hội hóa giáo dục ở mức độ cao nhất cả nước, tuy nhiên hiệu quả chưa tương xứng. Với mong muốn tạo thêm động lực cho công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án 'Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030'.
Thúc đẩy giáo dục thông minh
Hơn 2 tháng qua, học sinh lớp 4/1, Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TPHCM) vui mừng đến lớp vì bàn ghế được thay “áo” mới. Trước đó, vào đầu năm học 2024-2025, nhiều bộ bàn ghế trong lớp bị bong tróc, chân bàn gỉ sét. Ở khu vực bục giảng của giáo viên, gạch bị lồi lõm do nền nhà sụt lún. Sau khi nền bục giảng được cải tạo, cô và trò thoải mái đi lại, không sợ vấp ngã.
Toàn bộ hạng mục sửa chữa trên xuất phát từ ý tưởng xã hội hóa của ông Nguyễn Đức Ngân, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 4/1. Với mong muốn mang lại môi trường học tập an toàn hơn cho các con, ông Ngân đề xuất kế hoạch sửa chữa phòng học với giáo viên chủ nhiệm và được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường.
Tận dụng các ngày cuối tuần, học sinh được nghỉ học, một nhóm phụ huynh lớp 4/1 vào trường, mang theo giấy nhám, gạch lát, xi măng, sơn, cọ quét để sửa nền gạch và sơn sửa lại bàn ghế cho học sinh. Toàn bộ việc sửa chữa không mất nhiều kinh phí nhờ sự chung tay của nhiều phụ huynh, người mua gạch, người bỏ công sơn sửa.
Cô Nguyễn Thị Khánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1, Trường Tiểu học Trần Quang Khải, bày tỏ: “Sự hỗ trợ của phụ huynh không chỉ giúp lớp học trở nên sạch sẽ, tươm tất mà qua đó còn giáo dục học sinh lòng biết ơn, ý thức giữ gìn tài sản chung của lớp học”.
Tại Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức), năm học này, học sinh khối 3, 4, 5 được học với thiết bị Chromebook tại các lớp học Google, với thời lượng 1 tiết/tuần. Nhờ có thiết bị tích hợp công nghệ dữ liệu đám mây, việc dạy và học của giáo viên, học sinh trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Mỗi học sinh được cấp một tài khoản trực tuyến để tương tác với các hoạt động chung của lớp, qua đó giúp giáo viên dễ dàng theo dõi, đánh giá quá trình tiến bộ của từng học sinh.
Đặng Thị Ánh Phúc, học sinh lớp 4/6, Trường Tiểu học Linh Chiểu, chia sẻ, so với việc quan sát hình ảnh trình chiếu trên màn hình tivi hoặc bảng tương tác trên bục giảng thì việc được chủ động tương tác, tham gia các trò chơi nhằm hệ thống kiến thức sẽ giúp tiết học trở nên sinh động, học sinh ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Toàn bộ các thiết bị Chromebook được trường trang bị từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài TP Thủ Đức, nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình cũng trang bị các thiết bị điện tử từ nguồn xã hội hóa để tăng khả năng tương tác, phục vụ quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Tùy vào tình hình thực tế, có trường chọn phương án mua trả góp thiết bị, có trường ký hợp đồng thuê với nhà cung cấp. Khoản chi phí này được kết hợp từ nhiều nguồn, gồm vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ; sự tham gia đóng góp của phụ huynh...
Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân nhận xét, nếu không huy động các nguồn lực xã hội hóa, trường học khó thực hiện thành công đề án giáo dục thông minh. Trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, các trường cần chủ động, phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội để mang lại điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Ở góc độ khác, ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, nhận định, theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sau khi hoàn thành số tiết học bắt buộc theo quy định của chương trình chính khóa, học sinh học 2 buổi/ngày sẽ dư một số tiết học nhất định (tùy từng khối lớp). Do đó, việc các trường lồng ghép chương trình nhà trường, hoạt động giáo dục tăng cường để đảm bảo thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày là phù hợp và được Bộ GD-ĐT cho phép; qua đó thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện kỹ năng, kiến thức, năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Tạo điều kiện cho xã hội hóa
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 (TPHCM) cho hay, hiện nay ngân sách Nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng hoạt động giáo dục cơ bản. Để thực hiện các mô hình giáo dục thông minh, phòng học thông minh, thư viện thông minh, rất cần sự chung tay của nhiều nguồn lực trong và ngoài trường học.
Để các kế hoạch vận động có sự đồng thuận của phụ huynh, trước hết trường học phải xây dựng kế hoạch xác định cụ thể mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, xây dựng dự toán thu - chi công khai, minh bạch. Đặc biệt, việc tiếp nhận tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không quy định mức tài trợ bình quân hoặc tối thiểu, khuyến khích cá nhân hoặc tổ chức tài trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.
Năm 2024, theo báo cáo của UBND TPHCM, ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 60% kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng trường lớp đối với hệ thống công lập, vốn vay từ quỹ đầu tư và các nguồn khác chiếm tỷ lệ 15%, còn lại 25% từ nguồn xã hội hóa. Thống kê trong giai đoạn 2016-2022, có 30 trường công lập mới được đưa vào sử dụng với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng.
Ngoài hệ thống trường công lập, thành phố đã và đang phát triển mạnh các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp, tính đến đầu năm học 2024-2025, thành phố có 4 trường mầm non ngoài công lập, 24 trường mầm non ở vị trí liền kề hoặc trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp phục vụ giữ trẻ là con công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và trẻ em trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam thông tin, thời gian tới, TPHCM sẽ triển khai 86 dự án trường học theo hình thức hợp tác công - tư, mỗi dự án có vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Đây là một trong những hình thức “bắt tay” giữa Nhà nước và nhân dân nhằm phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng điều kiện tiếp cận các loại hình dịch vụ giáo dục khác nhau của người dân.
Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (ban hành ngày 4-11-2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xã hội hóa giáo dục đã có những bước tiến đáng kể. Trong đó, chủ trương đổi mới công tác quản lý, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Mới đây, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 12-8-2024) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chủ trương phân cấp, phân quyền được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh nhằm tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cơ quan chủ quản đang hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, hệ thống giáo dục công lập được tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính; riêng hệ thống ngoài công lập được khuyến khích phát triển thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ trương xã hội hóa giáo dục có vai trò quan trọng, phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển giáo dục. Tuy nhiên, chủ trương nói trên không đồng nghĩa với việc chuyển gánh nặng tài chính lên vai người học mà cần tranh thủ các nguồn lực khác nhau trong xã hội như tổ chức, doanh nghiệp, đối tác, mạnh thường quân. Bên cạnh đó, việc đóng góp không chỉ theo một hình thức duy nhất là tiền bạc mà có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác, như đóng góp “chất xám”, kinh nghiệm, tài trợ thiết bị dạy học…