Tiêu tiền cũng phải học
Không phải ai cũng trả lời được câu hỏi làm thế nào để có thể chi tiêu một cách hợp lí trong điều kiện tài chính cho phép. Bởi thực tế, nhiều người luôn bị 'lạm phát', với người trẻ thì luôn 'thủng ví'.
Chưa hết tháng đã hết tiền, ăn mì tôm từ đầu tháng để tránh tình trạng thiếu tiền cuối tháng… là hiện tượng thường ngày đối với những sinh viên, người trẻ sống xa gia đình hiện nay. Trong cuốn sách Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học (Nhà xuất bản Trẻ phát hành), TS Vũ Minh Tú cho rằng người trẻ thường đối diện với 3 ác mộng: luôn thiếu hụt tiền bạc, nợ nần và làm việc quần quật mà vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Dù đã dự kiến số tiền đã tiêu xài trong một tháng, nhưng trước các cám dỗ của thời đại, như các chương trình khuyến mãi trên ứng dụng mua sắm online, các thuật toán trí tuệ nhân tạo để kích thích mua sắm, tác động của bạn bè, mạng xã hội… các bạn sẽ luôn chi tiêu nhiều hơn dự kiến, nên trước ngày cuối tháng thì đã cạn tiền và hầu như luôn trong tình trạng túng thiếu.
Tiếp theo là việc lâm vào tình cảnh nợ nần với sự dễ dãi trong việc cấp thẻ tín dụng, cho vay trực tuyến và kích thích mua trước trả sau. Các bạn trẻ bắt đầu chi tiêu quá mức bằng thẻ tín dụng hoặc các hình thức vay qua ví điện tử, qua các ứng dụng mua sắm online.
Cơn ác mộng thứ ba là làm việc quần quật mà vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Làm chủ đồng tiền
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, với thế hệ 7x, 8x (sinh năm 1970 - 1989), khái niệm quản lí tài chính cá nhân hoàn toàn xa lạ. Trong quãng thời gian từ lúc đi học tới khi đi làm, chưa bao giờ họ được học về cách chi tiêu hợp lí. Khi nói về quản lí tài chính, nhiều người thường nghĩ tới những điều lớn lao, vĩ mô trong khi hiểu biết về tài chính cá nhân đôi khi chỉ xuất phát từ những thực hành rất đơn giản: học cách kiểm soát tiền trong đời sống thường ngày.
Nhiều người giữ quan điểm khi nào tiêu đến tiền thì tự khắc biết nhưng rõ ràng thực tế không đơn giản như vậy. Thực tế, hằng năm, rất nhiều câu chuyện sinh viên lên thành phố và bị lừa tiền mà nguyên vì thiếu hiểu biết hay sự cả tin. Sự thiếu hiểu biết ở đây cụ thể đó là về quản lí tài chính.
Lỗ hổng về quản lí tài chính cá nhân còn xuất phát từ quan điểm dạy con của phụ huynh. Ở Việt Nam, phần lớn phụ huynh không giải thích thấu đáo về cách dùng tiền và họ sợ cho con tiêu tiền sớm sẽ làm con hư. Tuy nhiên, trên thế giới, giống như giáo dục giới tính, giáo dục tài chính cũng nên bắt đầu từ sớm. Điều này không có nghĩa rằng giáo viên dạy một đứa trẻ 10 tuổi về lãi suất. Nội dung giảng dạy cần phù hợp với lứa tuổi, ví dụ tuổi nào các em cần hiểu khái niệm tiền là gì, tuổi nào các em cần biết tiết kiệm ra sao, tuổi nào cần biết giữ tiền sao cho an toàn.
Theo PGS.TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng quản lí tài chính cá nhân có thể được đưa vào trường ĐH dạy cho sinh viên dưới dạng chuyên đề tự chọn. Theo ông, đối với mỗi sinh viên, cuộc sống ĐH không chỉ là thời gian học tập và tiếp thu kiến thức mà còn là giai đoạn để khám phá và trưởng thành. Và một trong những kĩ năng quan trọng để sinh viên tự lập, tự tin khẳng định bản thân, thành công và “làm chủ cuộc đời” là nắm vững kĩ năng quản lí tài chính cá nhân.
Chính vì vậy, việc đào tạo tài chính cá nhân càng sớm càng tốt. Kiến thức được đào tạo sớm theo thời gian sẽ chuyển hóa thành sự thông thái, tích hợp với trải nghiệm thì sự thông thái đó sẽ làm cho mỗi cá nhân có thể làm chủ đồng tiền.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết cuộc đại khủng hoảng tài chính, suy thoái thế giới năm 2008 mà cả thế giới trải qua đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó thành tố trọng yếu là sự hiểu biết tài chính của từng cá nhân trong xã hội là chưa cao. Mọi người dễ lựa chọn công cụ đầu tư không phù hợp và chi tiêu quá đà.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tieu-tien-cung-phai-hoc-post1714101.tpo