Qua những miền trù phú ven sông Hồng
Theo thời gian, dòng sông Hồng mềm mại, uốn lượn, lắng đọng phù sa bao bọc phía đông bắc tỉnh đã tạo nên những miền đất trù phú gắn với không gian văn hóa, cùng bề dày lịch sử của nhiều làng quê ven sông. Từ những vùng đất bãi bồi ven sông hoang vắng, dưới bàn tay cần mẫn, chịu khó cộng với tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân đã tạo nên những miền quê trù phú, bốn mùa xanh tươi no ấm ven sông Hồng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo thời gian, dòng sông Hồng mềm mại, uốn lượn, lắng đọng phù sa bao bọc phía đông bắc tỉnh đã tạo nên những miền đất trù phú gắn với không gian văn hóa, cùng bề dày lịch sử của nhiều làng quê ven sông. Từ những vùng đất bãi bồi ven sông hoang vắng, dưới bàn tay cần mẫn, chịu khó cộng với tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân đã tạo nên những miền quê trù phú, bốn mùa xanh tươi no ấm ven sông Hồng.
Bãi bồi Mỹ Tân bốn mùa hoa khoe sắc
Với kinh nghiệm lâu đời, nhất là cách “canh thời tiết” để trồng, chăm sóc, người trồng hoa ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) thường đúng hẹn với chợ hoa xuân, luôn cho hoa nở đúng vào dịp Tết. Hiện hơn 600 hộ trồng hoa ở đây bắt đầu vào giai đoạn cao điểm chăm sóc hoa. Tầm này mọi năm không có dịch COVID-19, làng hoa Mỹ Tân trở thành điểm hẹn chụp ảnh lý tưởng hứa hẹn những bộ ảnh lưu niệm tuyệt vời bên những thảm hoa đa sắc màu trải dài trên các thửa ruộng đủ loại cúc vàng, ly, đồng tiền, cát tường… Khi trời chiều đông nắng đổ dài trên các ven đê cho đến lúc tắt nắng, bóng tối bắt đầu nhá nhem, ông Trần Văn Khanh ở xóm Hồng Hà 1 mới rời ruộng hoa về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho bữa cơm tối, kết thúc một ngày làm việc như bao ngày khác. Nhấp chén nước cho “đã” cơn khát và cái mệt của những ngày đông hanh khô, ông Khanh cho biết: “Để có nụ hoa “đúng hẹn”, trên các ruộng hoa được thắp điện suốt đêm đến đầu tháng 11 âm lịch khi cây đạt độ cao như mong muốn, sau đó sẽ tắt để cây ra nụ. Đây là thời điểm phải túc trực cả ngày lẫn đêm nhằm chọn đúng thời điểm cần thiết để tắt đèn. Nếu tắt quá sớm thì cây sẽ đơm nụ nở sớm; nhưng nếu tắt trễ thì hoa nở muộn, không kịp bán Tết. Hoa nở sớm hoặc sau Tết thì giá bán sẽ không cao”. Để đón vụ hoa Tết 2022, gia đình ông năm nay trồng 4 sào hoa dơn, 3 sào hoa cúc từ cách đây 3 tháng để kịp nở đúng dịp. Mỗi sào đều được giăng từ 40-50 bóng đèn Led 9-15W tạo ánh sáng giả để cây phát triển cao thân, đẻ nhánh tốt. Tính ra mỗi vụ hoa Tết, gia đình ông thu nhập gần 30 triệu đồng/sào.
Cùng với xu thế thời đại công nghệ mới, người dân ở xã Mỹ Tân đã từng bước ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị như: kỹ thuật trồng trong nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt và phun sương đảm bảo độ ẩm, độ mát cho vườn hoa, sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, phun thuốc định kỳ, đèn bật hẹn giờ tự động… Vì thế, ở Mỹ Tân bốn mùa quanh năm đều có hoa tươi phục vụ thị trường người yêu hoa. Suốt dọc đường đi từ trụ sở UBND xã tới các xóm, chúng tôi gặp rất nhiều thương lái từ các nơi tấp nập về mua hoa. Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ hoa, nhưng người dân nơi đây vẫn gửi gắm vào từng bông hoa niềm tin về một vụ hoa thắng lợi bởi “Hoa là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về”!
“Đặc sản” trên sông ở Xuân Châu
Rời xã Mỹ Tân, qua cầu Tân Phong, men theo triền đê, chúng tôi ghé thăm lồng cá trên sông Hồng của gia đình ông Nguyễn Văn Tung ở xã Xuân Châu (Xuân Trường). Từ 3-4 giờ sáng, khi sương đêm còn giăng mờ mịt, nhà ông Nguyễn Văn Tung đã tập trung đông người để thu hoạch cá. Những con cá chép, cá lăng, cá diêu hồng cỡ "đại" sau quá trình chăm vỗ cẩn thận, tỉ mỉ đến lúc thu hoạch nặng từ 4 đến 7kg, thậm chí có những con nặng cả chục cân. Cá quẫy đập nước bắn tung hòa lẫn với ánh nắng sớm khiến cả khúc sông rộn ràng, rực sáng lên. Mỗi mẻ lưới kéo lên, gương mặt ông Tung lại rạng rỡ hơn. Để chuẩn bị cho vụ cá Tết năm nay, ông Tung đã dành riêng 2 lồng nuôi đặc sản cá chép giòn. Theo ông Tung, cá chép giòn mà ông nuôi là giống cá chép lai có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, lớn nhanh, thịt thơm, ngon hơn các loại cá chép khác. Hơn thế, cá nuôi trên sông Hồng có dòng nước chảy liên tục, cá sống sạch, vận động nhiều hơn so với nuôi trong ao, nên chất lượng thịt cá dai, giòn, ít có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường. Đặc biệt, bí quyết để có được “đặc sản” cá chép giòn, thịt dai, thơm ngon đến từng lát thịt, những con cá chép đạt trọng lượng khoảng 3kg trở lên được ông Tung vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm để thịt cá trở nên giòn, bán được giá cao, được thị trường Tết ưa chuộng. Từ cách đây mấy tháng, ông đã xuất bán được 8-9 lồng với sản lượng đạt 40 tấn cá các loại. Còn riêng 2 lồng cá chép phục vụ Tết, ông dự kiến sẽ thu được khoảng 4-5 tấn. Với giá bán dao động từ 170-185 nghìn đồng/kg cá chép giòn, trừ chi phí, vụ cá Tết sẽ cho gia đình ông thu về hơn trăm triệu đồng.
“Xây nhà” cho tôm ở Giao Thiện
Sông Hồng giống như một người dẫn đường mến khách tiếp tục dẫn chúng tôi rong ruổi đến nhiều miền quê trù phú khác dọc bên mình thêm nhiều ngày nữa. Đến cửa Ba Lạt, nơi con sông Hồng đổ ra Biển Đông, hàng trăm nếp nhà mái bạt lọt vào tầm mắt chúng tôi trải dài ra phía biển thay thế cho những vuông tôm, quạt nước quen thuộc. Dẫn chúng tôi tham quan những nhà mái bạt nuôi tôm, anh Trần Xuân Thành ở xóm Tân Hồng, xã Giao Thiện (Giao Thủy), người đầu tiên “xây nhà” cho tôm thẻ chân trắng hồ hởi khoe: “Vụ tôm đông phục vụ Tết năm nay, chúng tôi dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn tôm thẻ chân trắng. “Nhà mái” giúp tôm sạch, khỏe, tăng trưởng nhanh hơn từ 2-3 lần, năng suất cao hơn 4-5 lần so với nuôi tôm truyền thống, lại tránh được rét đông nên đến Tết, tôm sẽ “được cả mùa lẫn giá”.
Giữa giá rét lạnh mùa đông với nền nhiệt ngoài trời là 15 độ C, nhưng trong nhà mái, nhiệt độ vẫn được duy trì ổn định ở mức 26 độ C. Tôm được thả nuôi với mật độ cao (200-250 con/m3) nên hệ thống dàn quạt và ô-xy đáy phải hoạt động 24/24 giờ. Anh Thành cho biết: “Nhà mái được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng khung thép phủ bạt có đáy dạng hình phễu, được xây nổi trên mặt đất giúp hạn chế dịch bệnh từ môi trường bên ngoài, bên trên dùng lưới che giảm bớt nắng nóng, về mùa đông có thể giữ ấm giúp tôm tránh đông, sinh trưởng khỏe mạnh”. 40 nhà mái nuôi tôm công nghệ cao 4.0, anh Thành đã sử dụng phần mềm điện thoại thông minh, camera giám sát để kiểm soát nhiệt độ, độ pH, kiềm, tốc độ tăng trưởng của tôm. Do đó, nuôi tôm trong nhà mái che người dân có thể chủ động được thời vụ, lách thời tiết để có thể tăng được nhiều vụ nuôi trong năm. Trung bình 3-4 vụ/năm, năng suất cao gấp 4-5 lần nuôi kiểu cũ, tôm tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt hơn 95%. Bình quân, mỗi nhà mái nuôi tôm anh Thành thu về gần 1 tấn tôm/vụ. Đặc biệt, nuôi tôm đông giáp Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ mạnh, giá tăng đột biến có thể đạt 200-220 nghìn đồng/kg, người nuôi sẽ được lãi hơn. Chính vì hiệu quả nên những nếp nhà nuôi tôm ở Giao Thiện ngày càng nhiều. Toàn xã hiện có khoảng 300 nhà mái nuôi tôm giúp nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở đây thêm bền vững. Giá trị thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác ở đây đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Rời Giao Thiện vào lúc chiều tà. Thấp thoáng phía xa ngoài các nhà mái nuôi tôm, sông Hồng vẫn chầm chậm chảy, dòng nước chở nặng phù sa liên tục bồi đắp tạo nên những vùng bãi bồi màu mỡ dọc 2 bên bờ tạo thêm những vùng sinh kế cho bà con. Một mùa Xuân mới lại về. Dòng nước sông Hồng đong đầy ước vọng về những miền quê ngày càng lớn mạnh, trù phú, no ấm hơn nữa./.
Bài và ảnh: Đức Toàn