Qua sông thì bỏ bè

Người học Phật rất quen thuộc với ảnh dụ qua sông rồi thì bỏ ngay chiếc bè. Mục tiêu là qua sông, chiếc bè chỉ là phương tiện, đến bờ kia rồi thì chiếc bè để dành cho người khác.

Cũng vậy, người đang tu thì cần học pháp, tụng đọc mỗi ngày để khắc ghi. Không chỉ tụng đọc mà còn luận nghĩa, tư duy chiêm nghiệm thật sâu sắc, thấy rõ con đường thực hành rồi vững tin quyết chí đi đến tận cùng.

Kẻ độc hành trên con đường đạo mênh mang, bước vào nơi mình chưa từng đến. Họ vẫn cứ đi mà không do dự, chẳng sợ hãi vì trong tay đã có bản đồ. Dù có thầy bạn đồng hành hay không, trên lộ trình tâm linh mình vẫn cô độc, cần nương tựa chính mình, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Để chuẩn bị cho hành trình tâm linh rất cần bản đồ, tìm hiểu đường đi cặn kẽ, đó là học pháp, tư duy nghĩa lý. Cất bước ra đi, vẫn mang theo bản đồ bên mình để kiểm chứng lộ trình, bảo đảm chắc chắn mình đi đúng hướng, sẽ đến đích.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng, siêng tụng kinh, siêng giảng thuyết, tinh tấn tư duy, đắc quả A-la-hán. Sau khi chứng quả rồi, không còn siêng tụng kinh, giảng thuyết nữa. Khi ấy có vị thiên thần đang ở trong rừng đó, nói kệ:

Tỳ-kheo! Ngài trước kia

Ngày đêm siêng tụng tập

Luôn vì các Tỳ-kheo

Cùng luận nghĩa quyết định.

Nay, ngài đối Pháp cú

Im lặng không mở lời

Không vì các Tỳ-kheo

Cùng luận nghĩa quyết định.

Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói kệ đáp:

Xưa, vì chưa lìa dục

Tâm thường ưa Pháp cú

Nay, vì đã lìa dục

Việc tụng thuyết đã xong.

Trước, biết đạo đã đủ

Thấy, nghe đạo làm gì?

Các thấy, nghe thế gian

Bằng chánh trí buông hết.

Sau khi thiên thần nghe những gì Tỳ-kheo nói, hoan hỷ, tùy hỷ, liền biến mất”.

(Kinh Tạp A-hàm, quyển 50, kinh 1337. Tụng kinh)

Khi đã đến nơi rồi thì không cần đến bản đồ nữa. Cũng vậy, khi đã chứng đắc A-la-hán rồi thì phần tự lợi đã xong, hữu dư Niết-bàn hiển hiện, bấy giờ bậc Thánh tùy duyên tự tại nhằm lợi ích chúng sinh. Hành tung của họ không còn dấu vết, thiên thần còn không biết được huống là chúng ta.

Trong kinh nói vị thiên thần trong khu rừng rất đỗi ngạc nhiên vì sự thay đổi bất ngờ của Tỳ-kheo. Trước đó thì siêng năng ngồi thiền, tụng kinh, luận nghĩa và sau một thời gian thì buông hết. Nhà thiền tạm gọi chỗ này là nhậm vận tùy duyên, đói thì ăn mệt thì ngủ, trời xanh mây trắng hiện toàn chân. Pháp hiển hiện khắp mọi nơi nên dầu có tụng kinh hay thuyết pháp là để cho người.

Nhìn xuống thì dễ còn nhìn lên thật khó lường. Với vị Thánh giả đã đạt đến thượng thừa, hòa quang đồng trần để lợi ích chúng sinh thì phàm tình nhưng chúng ta không đoán biết được. Sự buông bỏ tận cùng ở nơi tâm, lòng từ bi vô hạn quên mình vì cuộc đời cũng ở nơi tâm. Khi tâm mình chưa tương ưng với chư vị ấy thì khoan vội đánh giá các hình thức hay biểu hiện bên ngoài.

Trở lại vấn đề của chính mình, nếu chưa qua sông thì chớ dại bỏ bè. Đi chưa tới đích thì bản đồ vẫn vẹn nguyên giá trị. Pháp là thiết thực và hiện tại, hãy nhìn vào thực tại của bản thân để tùy nghi với phương tiện. Khi đã thấy rõ phương tiện và cứu cánh thì mỗi người sẽ thấy ra cách ứng xử phù hợp.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/qua-song-thi-bo-be-post72947.html